Dẫn đầu đoàn này là một con đĩ đánh bồng. Đây không phải là một
người đàn bà, chính là một vũ công, áo the quần trắng khăn lượt, đeo
ngang mình, quàng qua vai bằng những dây vải ngũ sắc một chiếc trống
cơm. Sau lưng có cắm chéo lên hai vai, hai hoặc bốn lá cờ đuôi nheo
nhỏ. Dáng điệu người này thật là ẻo lả mềm mại.
Dẫn đầu đoàn vũ công múa đèn, con đĩ đánh bồng vừa đi vừa đánh chiếc
trống cơm bằng hai bàn tay tạo nên những tiếng bập bập bùng làm nhịp
cho điệu múa.
Trong lúc đoàn vũ công múa đèn, dân làng đứng trước bàn thờ, xúm
nhau lễ bái.
CỜ BỎI VÀ HÁT CHÈO
Ở một thửa ruộng bên cạnh đền, xưa kia có một bàn cờ bỏi để dân làng
hoặc các tay danh kỳ tới đánh cờ mua vui.
Và buổi tối, ngay trước đền có ban chèo tới hát để thờ thần và dân làng
xem giải trí.
Văn bia và văn thơ tại đền Hai Bà
Hai Bà đánh đuổi quân Tô Định đã được toàn thể dân Việt nhớ ơn, và
được lưu truyền rất nhiều trong thơ văn kim cổ. Đáng kể hơn cả là những
thi văn đã được ghi ngay tại đền Hai Bà, xã Đồng Nhân.
Khách trẩy hội đi từ ngoài vào đền ắt phải thấy hai cây cột trụ cao ngất
mang một đôi câu đối vì phong sương chỉ còn một vế đọc được. Dù chỉ
đọc lên một vế ta cũng thấy tác giả mỉa mai Mã Viện:
SƠN TIÊU ĐỒNG TRỤ TƯƠNG AN TẠI
Nghĩa là:
CHỖ NÚI, ĐÃ NÊU CỘT ĐỒNG CÒN ĐÂU NỮA!