Trước số đông dân làng, trong số đó có cả các cô thiếu nữ trẻ tươi xinh
đẹp đang chăm chú nhìn theo từng cử chỉ nghe từng tiếng gọi, chàng trai
tránh sao khỏi thẹn thùng ngượng nghịu! Ấy là chưa nói tới một đôi cô
ranh mãnh thường chọc ghẹo các chàng, khiến các chàng hoặc mặt nóng
ran, đỏ dừ hoặc bật cười mất vẻ nghiêm trang. Có nhiều chàng lúng túng
quên cả câu nói, ném vội số tiền làng thưởng cho ca nhi rồi rút lui!
Nhưng đâu có được! Những ai lầm lẫn trong câu nói mất nghiêm chỉnh
đều phải làm lại việc thưởng tiền, và những lần làm lại, các chàng phải
tự bỏ tiền túi ra!
Mỗi chàng trai lầm lộn lại tạo những tràng cười cho dân làng, nhất là cho
các cô thôn nữ, và những lần làm lại, các chàng càng mất bình tĩnh, các
cô càng có những câu nói ghẹo khiến các chàng thẹn thêm. Tiếng cười
vang động trong đình, thật là vui!
Cuộc vui kéo dài cho tới khuya.
Thi cỗ
Cuộc thi cỗ được tổ chức vào đêm hôm rã đám. Làng Thị Cầu có bốn
giáp: Giáp Đông, Giáp Bắc, giáp Giữa, giáp Già. Con trai các giáp từ 18
đến 20 tuổi được cử đi rước thần, và chính những thanh niên này được
phép dự cuộc, thi cỗ ngày rã hội.
Thi cỗ là của trai thanh tân, nhưng làm cỗ lại là công việc của các thanh
nữ trong làng. Đây là một cách khuyến khích gái làng trong việc bếp
núc. Cô gái nào có anh, em hoặc đôi khi các chú trong gia đình dự thi cỗ,
đều phải lo tới mâm cỗ thi. Qua các mâm cỗ này, các bà mẹ trong làng
thường kén chọn con dâu.
Việc chấm cỗ do một hội đồng dân làng cử ra, thường gồm ông Tiên chỉ
làng, các ông thủ chỉ giáp và một số các bô lão quan viên.
Chấm các mâm cỗ, hội đồng chú ý tới sự tinh khiết sạch sẽ, hội đồng
cũng chú ý tới các món ăn trên mỗi mâm cỗ.