vẫn đổ xô về dự ngày giỗ Thầy, xa từ Quảng Trị, Thừa Thiên hoặc lục
tỉnh, gần từ Ninh Thuận, Phan Thiết, Long Khánh v.v...
Tới dự giỗ Thầy, người người đều cầu nguyện và xin xăm[2].
Dọc đường tỉnh lộ Bình Tuy đi Hàm Tân dài 12 cây số, đường đá sỏi gồ
ghề lại xuyên qua một đoạn đường rừng nguy hiểm, xe cộ tấp nập suốt
ngày, người kéo đi như nước, từng đoàn từng tốp. Dự giỗ Thầy, xin xăm
cầu nguyện khách hành hương lại cùng nhau đi viếng mộ Thầy.
Cúng lễ xin xăm
Khách hành hương tới cúng Thầy mang theo đồ lễ đủ các loại: Tiền bạc,
vàng hương, heo, gà; vịt và các thứ hoa quả bánh trái.
Trong hai ngày giỗ Thầy, ngày đầu 15 tháng Chín là ngày cáo giỗ, tức là
ngày tiên thường, dân chúng nơi đây làm lễ cúng chay.
Ngày hôm sau là ngày cúng mặn. Dân làng sở tại tự mang đồ lễ tới cúng,
và khách hành hương từ các nơi tới cũng đặt đồ lễ cúng.
Hầu hết khách trẩy hội, cúng lễ xong đều xin xăm, nhất là phụ nữ.
Xin xăm ở ngay chính diện đền Dinh, người xin xăm chen chúc quỳ lạy
từ cửa vào. Tiếng xóc ống xăm vang lên đều đều.
Xin được lá xăm, ra bên ngoài, đã có hàng chục người đoán quẻ bàn giải.
Hội Dinh Thầy nhộn nhịp tưng bừng ở giữa một nơi hoang vắng, mà
thường ngày rất ít người lai vãng tới, chứng tỏ lòng tin tưởng của dân
chúng đối với Thầy.
Hội Dinh Thầy không có cổ tục trò vui gì, nhưng khách trảy hội đã vui
với lòng thành của mình và đến được Dinh Thầy ai nấy đều tỏ sự hân
hoan.