Gọi là đi chợ để vui xuân, vì nhân dịp này những cặp trai gái hẹn hò gặp
gỡ nhau, và có mua bán trong khi đi chợ cũng chỉ là tượng trưng.
Có lẽ bạn đọc sẽ tự hỏi tại sao phiên chợ đầu xuân không họp ở vị trí
chợ, lại đi họp ở nơi cồn cát như vậy. Đây là lời giải thích của các cụ già
thôn Vĩnh Mỹ:
Chợ của thôn Vĩnh Mỹ, trong những đêm mồng một mồng hai Tết có
người âm về họp chợ, và do đó đêm khuya, người ta từng nghe tiếng ồn
ào của một phiên chợ nhưng không thấy người. Cũng bởi trong hai ngày
này, người âm họp chợ nên trần gian phải trả chợ cho họ, kéo nhau tới
họp ở chợ Cồn.
Lời giải thích trên ai muốn tin thì tin, ai không tin cũng không sao,
nhưng có điều hiển nhiên là dân thôn Vĩnh Mỹ, trong mấy ngày Tết họp
chợ để vui xuân, người ta vẫn họp ở cồn cát, không họp ở chợ. Đây là
một tục lệ, đã gọi là tục lệ đố ai làm trái được![5]
Thần Đa tình
Làng Hoài Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) có hai thôn là
Hoài Bão Trung và Hoài Bão Thị, hai thôn thờ hai vị thần, thôn Thị thờ
một nữ thần, thôn Trung thờ một nam thần.
Theo lời truyền lại thì một lần xưa kia, nữ thần thôn Thị bỏ sang sống
với Thành hoàng thôn Trung, trong thôn vì vắng vị Thành hoàng cai
quản, đã xảy ra rất nhiều điều làm dân chúng khốn khổ: cháy nhà, súc
vật chết, người đau ốm... Sau bói ra quẻ thấy, dân thôn Thị đã phải sang
thôn Trung tế lễ linh đình để cầu xin thần thôn Trung trả lại Thành hoàng
cho thôn mình. Sau buổi thỉnh mời được nữ thần trở lại thôn, dân thôn
Thị mới được an lành như cũ.
Từ đó dân thôn Thị luôn luôn đề phòng, sợ nữ thần lại đi theo thần thôn
Trung mất.