NẾP CŨ, HỘI HÈ ĐÌNH ĐÁM - Trang 469

Nam nữ đều ra sức kéo, kéo sao cho cột trụ ngã về bên mình là thắng.

Đây là một sự ganh đua tận lực của đôi bên, bên nào cũng muốn được
nên cuộc kéo co rất là gay go. Chẳng lẽ bên trai chịu thua bên gái sao?
Bên gái cũng phải cố gắng, kẻo mang tiếng bị bên trai bắt nạt?

Kéo Co phải kéo ba keo, bên nào thắng hai keo là bên ấy được.

Trong lúc đôi bên kéo co, dân làng và khách đi xem hội đứng ngoài cổ
vũ. Họ như cùng chia sẻ sự cố gắng của đôi bên, nên họ reo hò khuyến
khích bằng những tiếng dô ta, cố lên.

Có năm trai thắng, có năm gái thắng, nhưng dù bên nào thắng thì cuộc
vui cũng rất là vui, vui ở sự ganh đua, vui ở sự nỗ lực, vui ở những tiếng
hò reo khuyến khích.

Làng Tích Sơn, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú) cũng có
tục kéo co. Làng này mở hội vào ngày mồng ba tháng Giêng. Trong ngày
hội, có nhiều tục lệ khác nhau ngoài tục kéo co.

Ở đây, kéo co được diễn ra giữa đàn ông với đàn ông.

Làng có hai giáp, thanh niên hai giáp kéo co với nhau trong ngày hội ở
ngay bãi ruộng trước sân đình. Để kéo co, ở đây không có cột trụ và dây
thừng, mà dân làng lại dùng một sợi dây song dài.

Lúc kéo co, kể từ giữa sợi dây, tráng đinh hai giáp xúm vào nắm hai đầu
đây rồi cùng cố kéo cho đối phương ngã về phía mình. Số người của hai
giáp không hạn chế, bên nào nhiều ít cũng được, cốt sao cho thắng cuộc
thì thôi. Bởi vậy, nhiều khi có giáp thua cuộc đầu, cuộc thứ hai dân trong
giáp tăng cường thêm tráng đinh, nên có thể thắng được hai cuộc sau.

Ở đây cũng kéo co ba keo, giáp nào thắng hai keo là thắng.

Người ta tin rằng những trai đinh dự cuộc kéo co đầu năm thắng cuộc,
quanh năm sẽ được gặp nhiều điều may mắn.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.