NẾP CŨ, HỘI HÈ ĐÌNH ĐÁM - Trang 63

Ngày có Quốc tế tại đền thờ vua Hùng là ngày Hội đền Hùng, hàng năm
dân xã Hy Cương vẫn theo cổ lệ tổ chức ngay từ đầu tháng, tuy chính lễ
vào đúng mồng 10.

Trong ngày hội, dân chúng Việt Nam từ bốn phương kéo tới lễ Tổ để tỏ
lòng thành kính biết ơn các đức Hùng Vương đã dày công gây dựng nên
nước Văn Lang, tức là nước Việt Nam ngày nay.

Là người Việt Nam, ai cũng nên biết hội Đền Hùng, ai cũng phải nhớ
đến ngày giỗ Tổ. Từ hơn bốn nghìn năm nay, dân tộc Việt Nam trải bao
hưng vong biến chuyển, sở dĩ vẫn vững bền tồn tại, chính là vì người
Việt Nam uống nước biết nhớ nguồn, trăm vạn người như một, hàng năm
ai cũng nhớ ngày giỗ Tổ. Người Việt Nam có thể quên hết mọi ngày,
nhưng ngày giỗ tổ, người không quên gốc không ai quên. Dù ở xa xôi,
người ta vẫn hướng về non Nghĩa Lĩnh để nhớ tới các vị Tổ chung.

Vị trí đền Hùng

Đền Hùng xây trên núi Nghĩa Lĩnh, rừng Hy Cương, thôn Cổ Tích, phủ
Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (Vĩnh Phú).

Ngọn Nghĩa Lĩnh là một ngọn núi cao của vùng trung du miền Bắc, bắt
nguồn từ núi Thắm chia làm nhiều chi, mỗi chi có nhiều đồi nhỏ. Chi
giữa ăn tới làng Hy Cương, thôn Cổ Tích thì nổi bật lên một ngọn núi
cao.

Đứng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, nhìn về phía Đông là dãy núi Tam Đảo
thuộc hai tỉnh Vĩnh Yên và Thái Nguyên (Bắc Thái), mập mờ trong mây,
như xa như gần, như thực như hư. Về phía Nam là núi Cánh Phượng,
trông như con phượng luôn luôn xòe đôi cánh. Đây chính là núi Ba Vì,
còn gọi là núi Tản Viên, thuộc tỉnh Sơn Tây (Hà Tây). Bao giờ trên đỉnh
cũng có mây che trông thật là huyền ảo. Giữa hai cảnh núi hùng vĩ đó, là
hai dòng sông Lô và sông Thao nước cuồn cuộn chảy, gặp nhau ở Bạch
Hạc, cố đô Phong Châu đối diện với thành phố Việt Trì trông rất ngoạn
mục.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.