62
Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua Nếp cũ gia đình và Lễ - Tết – Hội hè
Tác giả: Toan Ánh – Nhà xuất bản Trẻ
cũng không hơn bao nhiêu.
Người xưa trên mọi lĩnh vực đều lấy lễ nghi làm căn bản trong sự giao tế;
Nói đến lễ nghi là nói đến đạo đức, mà đạo đức thì không kể đến tiền tài, chỉ
kể đến sự cư xử sao cho thuận lẽ, cho hợp với ân tình. Bởi vậy thầy thì ra
thầy, thầy không phải là người thiếu giáo dục, thiếu luân thường.
II. VIỆC DẠY HỌC XƯA VÀ NAY
Dạy học ai cũng mong cho học trò chóng tấn tới, học trò lười biếng thầy
phải thúc đẩy, học trò tối dạ ông thầy phải kiên nhẫn chỉ bảo sao cho đến
khi học trò hiểu được thì thôi.
Bản tính của trẻ em bao giờ cũng ham chơi hơn thích học, các ông thầy
nếu không bó buộc các em phải học, lẽ tất nhiên tự chúng sao cho khỏi sự
sao nhãng được, và như vậy làm sao cho có được những kết quả tốt đẹp.
Người xưa nói rằng: giáo bất nghiêm, sư chi nọa, việc dạy dỗ không
nghiêm là do ông thầy lười.
Ta lại nói nghiêm sư tác thành, ông thầy nghiêm làm cho ta nên người. Vị
tôn sư phải đức nghiêm làm đầu, và có nghiêm mới có uy tín đối với học trò.
Thầy đã nghiêm, học trò phải giữ lễ phép, và việc học bao giờ cũng bắt
đầu bằng học lễ trước, tiên học lễ, hậu học văn. Học lễ phép rồi mới đến chữ
nghĩa văn bài.
Học lễ phép không phải chỉ riêng ở lớp học mà còn ở cả ngoài đường và
ở nhà mình nữa.
Mỗi lớp học của ông đồ xưa đều có anh trưởng tràng để thay thầy trông
nom các học trò khi thầy vắng mặt và để dạy các em mới vỡ lòng. Học sinh
đối với anh trưởng tràng phải có sự tôn kính như đối với người anh cả ở gia
đình.
Để giữ lễ, để thúc đẩy học sinh chăm chỉ, ông đồ nào cũng có ngọn roi
mây. Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn. Đối với học trò ông đồ càng dữ đòn
lại càng là ông đồ giỏi. Bố mẹ học sinh rất mong ông đồ trừng trị con em
mình bằng roi vọt để chúng nên người, và học sinh thời xưa thành đạt một
phần cũng nhờ những ngọn roi mây vậy.