Toan Ánh
52
Sức người có hạn, việc khó không bờ; ý người đã vậy còn
vận nước thì sao? Năm 1929, việc vỡ lở, ông đành bỏ quê
nhà trốn tránh đi nơi khác.
Vùng Thái Bình của ông ở là vùng mà viên Tổng Đốc Vi
Văn Định truy nã gắt gao các đồng chí của ông nhất. Sau cái
chết của Lương Duyên Khải và cái chết bí mật của giáo Kỳ,
ông và các đồng chí không bao giờ dám quay về nơi đó nữa.
Trong lúc tha hương đã bao phen con tim dồn dập muốn
trở lại quê nhà thăm mẹ già, vợ dại và lũ con thơ, nhưng
tiếng gọi xa xăm của đất nước thúc giục, ông đành nghiến
răng quên cả cái tổ êm ấm, lang thang sống cuộc đời lữ thứ.
Ông ra công muốn hàn gắn lại công việc đã vỡ, nhưng
những tin các đồng chí bị bắt dần mòn, vụ xử tử ở Yên Bái
làm ông đôi lúc cũng chùn gan. Mặc dầu, ông không nản chí.
Ván cờ này thua, ông xoay ván khác.
Biết bao phen vào sinh ra tử: gặp những bọn phản bạn lừa
thầy, gặp những phường tham của định bắt ông để lấy thưởng,
ông đều trốn được. Mỗi lần như vậy lại càng làm ông hăng
hái hơn xưa.
Việc càng khó càng làm ông Khóa hăng hơn. Ông đi suốt
mấy vùng Bắc Ninh, Phả Lại, Hải Dương, Ninh Giang để
liên lạc các anh em cũ. Mỗi một tin các anh em bị bắt đưa
tới ông, là một lần ông thở dài, nhưng không hề chán nản.
Anh em bị bắt một ngày một nhiều, và một ngày một hết.
Năm ấy tết lại đến sau lưng, nghĩ đến quê nhà, giọt lệ anh
hùng bỗng trào qua mi mắt.
Cải trang là một ông lái thuốc lào, ông vào trọ nhà một
người vùng Bắc Ninh. Trông thấy cái cảnh gia đình êm ấm
của người ta, ông chạnh nhớ đến cảnh mình. Ông làm bài
thơ để tả nỗi buồn riêng, nhưng phút chốc, ông sợ mềm gan
người chiến sĩ, ông cố làm thêm tám câu đoạn cuối.