63
Tiết tháo một thời
nghe cụ nói cũng nói thêm “Bà cụ nói đúng lắm. Tây người
ta biết đâu, chỉ người Nam lại giết người Nam; Nam quốc,
Nam nhân, nghĩ mà chán?”
Câu chuyện chỉ đến thế. Nhà hàng không nói hơn và khách
cũng không nói hơn. Khách sợ vạ miệng, còn nhà hàng biết
bụng dạ khách ra sao mà bàn đi nói lại.
Các cuộc bắt bớ ngày một nhiều. Ngày nào cũng có người
tình nghi bị bắt. Các tổng lý nhiều khi giải phạm nhân tới
huyện, gặp lúc hết giờ, thường phải tạm đưa vào hàng nước
của bà cụ để nghỉ chân và đợi giờ làm việc.
Trong những trường hợp này, bao giờ bà cụ cũng tỏ ra chăm
sóc các phạm nhân. Bà cụ thường đãi cơm nước không lấy
tiền. Các phạm nhân có người muốn trả tiền, thì bà cụ bảo:
“Các ông cứ giữ lấy, các ông còn phải cần đến tiền nhiều”.
Thấy bà cụ tỏ ý ân cần với các phạm nhân, có người hỏi
bà cụ không sợ tội hay sao. Bà cụ đáp:
- Tôi già nua thế này mà làm gì được. Bất quá thấy người ta
vì việc nước phải bắt, tôi nghĩ cũng thương hại nên gọi là giúp
đỡ đôi chút để an ủi người ta trong bước đường cùng đó thôi.
Một hôm vào khoảng quá ngọ, trong khi ở huyện đã hết
giờ làm việc, giữa lúc bà cháu Thiện đang ăn cơm trưa, ở
ngoài cửa bước vào ba người; một người áo the khăn lượt,
một người quần áo nâu tay vác con dao mã tấu và người thứ
ba cũng quần áo nâu, nhưng hai tay bị trói quặt ra sau lưng.
Người áo the khăn lượt ngồi xuống ghế trước chõng tre,
người vác mã tấu ấn người bị trói ngồi xuống đất và hắn cùng
ngồi ghé vào chiếc ghế.
Người mặc áo the ngửa chiếc bát úp trên chõng bảo bà cụ
rót nước. Bà cụ ngừng bữa cơm chạy ra múc nước chè xanh
đổ vào hai chiếc bát, nhưng mắt vẫn liếc nhìn người bị trói
ngồi dưới đất.
Bỗng nhiên bà cụ biến sắc mặt và chiếc gáo cầm trên tay