Toan Ánh
72
một góc cây, người ngồi câu ngoài thú được ngắm nhìn trời,
yên tĩnh bên ngoài cũng như yên tĩnh bên trong, lại thỉnh
thoảng được cái thú chăm chú nhìn chiếc phao dập dềnh trên
mặt nước, rồi bỗng nhiên chiếc phao chìm hẳn. Người ngồi
câu, nhẹ giật cần câu lên là ở đầu lưỡi câu đã có một chú cá
xinh xinh trắng bạc đang cựa quậy tìm lối thoát thân.
Chim tham ăn sa vào vòng lưới
Cá tham mồi mắc phải lưỡi câu
Đã mắc phải lưỡi câu còn mong gì thoát nạn nữa.
Người đi câu hạ cần, lần tay theo sợi dây, túm lấy đầu con
cá, gỡ cá ra khỏi lưỡi câu, và từ từ bỏ nhẹ vào giỏ cá ngâm
dưới nước để chờ lúc đầy giỏ mới mang về.
Cụ Ngân làng Xuân Mỹ cũng ưa thú đi câu, nhưng có lẽ
không phải vì cụ thích được cá, mà đúng ra chỉ vì đi câu, cụ
cho là một thú tao nhã, khả dĩ giúp cụ quên được nỗi bực
dọc do thế sự gây nên.
Vốn dòng nho gia cụ đã thông suốt Tứ Thư, Ngũ Kinh, cụ
hiểu đạo Thánh Hiền, biết lẽ trung hiếu tiết nghĩa.
Cũng như bao người khác, bình sinh cụ hoài vọng một ngày
danh chiếm bảng vàng, đem tài thông kinh sử giúp vua trị
nước, trước là thỏa lòng trung sau là được thi thố tài năng để
làm vẻ vang cho dòng họ; nhưng vận nước éo le, quân Tây
kéo sang chiếm đất cướp thành, cụ giận mình không đủ tài,
đủ trí để giết giặc lập công, cụ đành ẩn dật ở quê nhà, tháng
ngày bạn cùng cây cỏ, lấy sách đèn tiêu khiển và đi câu là
một thú thanh tao.
Người đời không hiểu cho cụ là thiển cận. Có tài học, tại
sao không đem tài ra để giật lấy cân đai bố tử, lại chịu ăn
cơm nhạt, sống lần hồi ở quê nhà. Hoài bão của cụ đâu phải
chỉ có thế! Cân đai bố tử để làm đầy tớ cho bọn quan thầy
áo ngắn, đấy đâu có phải là điều phỉ chí của đấng nam nhi!