73
Tiết tháo một thời
Tấm thân bẩy thước phải lo điều ích quốc lợi dân, mà nếu
không làm nổi đại sự thì đành ôm hận nuốt sầu, có đời nào lại
đem tiết tháo bán rẻ lấy vinh thân phì gia: Chỉ những kẻ tiểu
nhân, chỉ những bọn giá áo túi cơm mới làm điều vô sỉ ấy.
Đối với những kẻ chê cụ sao lại đi câu lại chôn vùi chí khí,
cụ hằng nói: “Tôi đi câu đây cũng như Khương Thượng câu ở
sông Vị Thủy, tôi đi câu để nghiền ngẫm về thế sự, để ngắm
cuộc đời đổi thay, để xem đám thiêu thân lao mình vào đống
lửa, cũng như để hiểu đàn cá ham mồi mắc phải lưỡi câu!”
Cụ nói vậy thì nói, chứ thật ra, cụ có câu được cá bao giờ
đâu. Lưỡi câu cụ cũng giống như lưỡi câu của Tử Nha đời
nhà Chu, nghĩa là không có móc và cũng không có ngạnh để
cho cá mắc mồi. Mồi cụ mắc vào lưỡi câu bao nhiêu là cá
ăn hết bấy nhiêu.
Mấy ông bạn già của cụ thường bảo cụ:
- Cụ đi câu như vậy chỉ làm hư cá thôi. Cá chúng nó được
ăn, quen mùi thấy mùi bén mãi, rồi sau đây có người nào câu
thật chúng sẽ mắc mồi rất nhiều!
Câu nói trên chừng như hợp ý cụ lắm nên cụ cười ha hả đáp:
- Thì chính vậy, cái giống cá tham mồi cho chúng nó chết.
Nay chúng nó ăn của tôi một mồi, mai chúng nó ăn của tôi
một mồi, dần dà chúng quen mồi rồi tôi mới câu bằng lưỡi
câu thật. Lúc ấy chúng nó chạy đâu cho thoát.
Nói đến đấy bao giờ cụ cũng nghiêm sắc mặt nói tiếp:
- Có gì khác ngày nay, bao nhiêu người Việt Nam ta mù
quáng theo bọn Tây áo ngắn, chúng thí cho chút đỉnh quyền
lợi nhỏ, để một ngày kia chúng giật mạnh lưỡi câu thì cả
nước Việt Nam chúng ta chỉ có đi làm nô lệ mà thôi. Tôi và
các cụ, chúng ta đã đọc sách Thánh Hiền, chúng ta đã hiểu
thế nào là lẽ tiến thoái, nếu chúng ta chưa đánh nổi bọn giặc
Pháp, tạm thời ít nhất chúng ta phải cho người khác rõ thế
nào là người Pháp đã buông câu dân Việt chúng ta.