Ông hay chữ có tiếng, người trong làng có trẻ nhỏ, chúng chưa làm gì,
cho chúng tới cửa ông ăn mày dăm ba chữ của Thánh hiền, may ra sau này
chúng có đỗ đạt càng hay, bằng không chúng cũng đọc thông văn tự đỡ tiếng
dốt nát ngu si. Còn người thiên hạ, chuộng tiếng tăm ông, kén thày cho con
học, lẽ tất nhiên họ phải cho con cái họ tới làng Kim-Đôi để học ông. Không
phải tại các làng chung quanh không có ông đồ, nhưng chính chỉ vì học-trò
của ông thành đạt nhiều.
Phần đông con trẻ mấy xã Ngư-Đại, Bất-Phí, Xuân-Hòa, Thị-Cầu, Đáp-
Cầu, Phương-Cầu thuộc huyện Võ-Giàng bên này sông Nguyệt-Đức, và mấy
xã Nam-Ngạn, Đạo-Ngạn, Nghi-Thiết thuộc huyện Việt-Yên, tỉnh Bắc-
Giang bên kia sông kéo nhau tới học lớp ông đông lắm. Có nhiều người ở
tận tỉnh xa cũng gửi con tới học.
Đạo Thánh có hẹp gì, sân Trình cửa Khổng lúc nào không sẳn sàng để
đón môn sinh, ông đồ Ngư không từ chối một trẻ nào. Ai đã mến chuộng
ông, tin cậy gửi con tới học, ông đều nhận hết. Càng đông học-trò càng
nhiều người thành-đạt. Vả chăng ông cũng không vất-vả hơn bao nhiêu. Đã
có trò lớn bảo trò bé, và trông coi toàn thể học-trò đã có trưởng tràng.
Mỗi ông đồ dạy học đều có trưởng tràng. Trưởng tràng là người học trò
cao niên, học hành xuất-sắc nhất trong đám học trò đang theo học được ông
đồ giao cho trách nhiệm trông nom trường học, theo dõi sự học hành của các
học sinh khác. Trưởng tràng thay mặt thày trong những buổi thày đi vắng.
Gặp những khi nhà thày giỗ chạp, ma chay, trưởng tràng cắt đặt các anh em
lo giúp đỡ mọi công việc nhà thày và lo liệu lễ vật của toàn anh em với nhà
thày. Trong những dịp này, mọi học trò mới cũ đều cùng nhau đóng tiền
đồng-môn, nghĩa là tiền của các môn sinh cùng học một thầy đóng góp trong
khi thày có công việc hiếu hỷ. Những tiền đồng-môn của các môn sinh đã
thành đạt thì tùy theo họ góp cho bạn đồng-môn, do một vài người đại diện,
hoặc họ gửi tới cho trưởng tràng.
Trưởng tràng phụ tá giúp thày nhiều công việc. Nhờ có trưởng tràng,
thày học rất đỡ vất vả.