Tôi biết em sợ hãi thật sự, bởi vào tuổi mười bảy, những hiềm khích
và sự đố kị không dừng lại ở việc “nghỉ chơi” hay những lời xầm xì “tin-
hay-không-tùy-bạn” nữa, mà nó đột nhiên sắc nhọn, làm rỉ máu trái tim, tổn
thương danh dự như vậy đó. Em chưa thể chấp nhận nó, em không thể
tin… Thất vọng và đầy tổn thương, em tự hỏi: ”Mình đã làm gì sai chăng?”
Hãy tin tôi, bạn nhỏ, rằng không ai có cuộc đời tròn trịa đến mức chưa
từng bị chơi xấu. Và “bị chơi xấu” không có nghĩa ta đã làm gì sai. Có một
câu nói mà tôi thấy rất lý thú: “Mong đợi cuộc đời đối xử tốt với bạn vì bạn
là một người tốt cũng giống như mong rằng con bò đực đang nổi giận sẽ
không tấn công bạn chỉ vì bạn là người ăn chay”
Ta thức dậy mỗi ngày, bước ra khỏi nhà và đối diện với cả thế gian:
người thân quen, kẻ xa lạ, người sẽ trở nên gần gũi, người mà ta vẫn nhớ và
người ta đã lãng quên… “Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại” - như tựa đề một
bộ phim cao bồi mà tôi rất thích. Ai dám chắc mình đủ tỉnh táo để phân
biệt? Có lẽ đã đến lúc em nhận ra rằng “người xấu” không chỉ có trên phim.
Chưa kể xấu tốt đôi khi còn tùy thuộc vào góc nhìn. Và mọi thứ có thể bắt
đầu chỉ vì sự khác biệt.
Em có bao giờ nhận ra rằng bạn có những điểm khác mình không?
Mười bảy tuổi. Có lẽ đã đến lúc em phải quan sát, lắng nghe, suy nghĩ,
tìm hiểu về những người sống quanh em. Danh ngôn có câu “con người là
một sinh vật viễn thị”. Nghĩa là hãy lùi lại thì ta sẽ nhìn rõ hơn và xa hơn.
Ta là ai? Bạn là ai? Tìm hiểu về bạn bè không phải là nghi kỵ, hay mất
niềm tin. Tìm hiểu về người khác là để nhìn họ bằng con mắt, nói như Lâm
Ngữ Đường, là “cận nhân tình” hơn. Để ứng xử với họ không phải như bạn
bè (rất chung chung) mà như Phương, như Trâm, như Huy, như Ngọc…
Tìm hiểu, để có trách nhiệm với niềm tin của mình. Mỗi con người có một
giá trị, hãy tìm giá trị đó. Mọi con người đều có ưu điểm và khuyết điểm,
hãy tìm ra cả hai. Để nhìn nhận đúng thì đừng bị lệ thuộc vào thành kiến,
cũng đừng bị che mắt bởi hào quang.