đềm của một mối quan hệ bền bỉ và đáng tin cậy. Chúng ta luôn mong được
chia sẻ vui buồn, hạnh phúc và khổ đau với ai đó mình thương yêu và yêu
thương mình. Đó là một nhu cầu mạnh mẽ. Một nhu cầu được gắn liền với
hai chữ, Con Người.
Giữa những người lạ, ta cần một người quen. Giữa những người quen,
ta cần một người yêu. Giữa những người yêu, ta cần một người hiểu. Giữa
những người hiểu, ta cần một người tin. Tin và được tin. Như thế, yêu chưa
phải là “kết cục có hậu” của một đười người. Yêu, mới chỉ là một nửa
chặng đường dài mà thôi. Chúng ta cần nhau, trước hết để yêu nhau, nhưng
không chỉ để yêu nhau. Chúng ta cần nhau cho một cuộc khám phá rất sâu,
một cuộc phiêu lưu rất dài. Hôn nhân chính là bằng chứng cao nhất cho sự
cần nhau đó.
Tôi từng ngạc nhiên nhận ra rằng khi tôi nói với ai đó Tôi yêu em một
cách chân tình nhất, lắm lúc người ta vẫn hoang mang lo lắng: Lời ấy có
chân tình chăng?. Nhưng khi tôi nói “Tôi cần em”, tôi có cảm giác là người
ta không nghi ngại. Vì sao vậy?
Tôi đã mang câu hỏi đó thật lâu trước khi tìm được câu trả lời từ chính
bản thân mình. Khi ta nói yêu, thường là thổ lộ. Nhưng khi ta nói cần,
thường là thú nhận. Là thú nhận, nghĩa là nó thành thật. Thành thật hơn hết
thảy. Khi ta biết mình cần gì, tức là ta biết mình có gì, thiếu gì, muốn gì.
Khi ta nhận ra mình cần ai đó, đúng ai đó, là khi ta thành thật với mình
nhất. Con người vốn quá kiêu hãnh và tự tôn, bởi thế chúng ta ít khi muốn
thú nhận về điều mình thực sự cần. Chúng ta sợ lời thú nhận đó sẽ biến
mình thành một kẻ yếu đuối. Chúng ta sợ bị người khác nắm “vận mệnh”
của mình trong tay. Ta sợ rằng một khi đối phương đã biết được bí mật của
ta rồi, thì ta thua chắc. Ta sẽ không còn đường lùi. Và nếu “đời không như
là mơ”, trông ta thảm hại làm sao trong mắt họ, người đã biết điều ta cần,
và đã lắc đầu từ chối.