Có hai loại người, những người làm việc và những người giành được
lời khen ngợi. Hãy cố tham gia vào nhóm đầu tiên, ở đó ít cạnh tranh hơn.
INDIRA GANDHI
Có một lần, cô cháu gái 12 tuổi thích vẽ vời của tôi thổ lộ rằng lớn lên,
cô bé muốn làm thợ may. Khi ấy, tôi đùa: “Phải trở thành nhà thiết kế thời
trang nổi tiếng chứ. Làm thợ may chán chết!”. Nhưng cô bé cương quyết:
“Con không muốn nhà thiết kế nổi tiếng. Con muốn là thợ may”. Chị họ tôi
ngán ngẩm lắc đầu: “Giờ thì nói gì cũng được, chứ mai mốt lớn mà đòi làm
thợ may là không được đâu nghe con”.
Nhưng tôi, nhìn đôi mắt trong veo kiên định của cháu và giật mình. Cơ
sở nào để người ta xếp loại nghề nghiệp này là tầm thường, còn nghề
nghiệp kia là vinh quang? Vì số tiền kiếm được? Vì trình độ học thức mà
nó đòi hỏi phải có? Hay vì danh tiếng?
Khi còn trẻ, chúng ta thường gắn ước mơ của mình với hai chữ “nổi
tiếng”. Có lẽ Byron nói đúng: “Danh tiếng là cơn khát của tuổi trẻ”. Muôn
đời. Nhưng, có khi nào cơn khát đó dẫn chúng ta lạc đường không? Tôi ra
về và nghĩ đến ước mơ thợ may của cháu tôi.
Mơ ước làm thợ may không ngăn cản ta học hỏi để may những bộ áo
chuẩn mực như các hãng thời trang hạng nhất. Nếu bạn muốn hai thứ: thợ
may và danh tiếng, hãy trở thành một thợ may xuất sắc, rồi danh tiếng sẽ
đến sau đó.
Nhưng ước mơ của cháu tôi chỉ là thợ may thôi. Mơ ước làm thợ may,
không có nghĩa chỉ mở một tiệm may nhỏ xíu nằm bên khu chợ nhỏ xíu ở
một thị trấn nhỏ xíu nào đó. Nhưng nếu đó là tất cả những gì cô bé muốn,
cắt và may những bộ áo đẹp cho người khác, thì có gì sai? Nếu đó là những
gì bạn muốn, chứ không phải là những gì chán ngắt mà bạn buộc phải làm.