chén của mình. Đó là việc của mẹ, bà, hoặc cô giúp việc. Bạn chỉ việc bưng
tô cơm đã xúc sẵn lên ngồi trước ti vi và ăn.
Đến năm mười bốn tuổi tôi vẫn chưa tự xếp quần áo cho mình. Tất cả
đều là việc của mẹ. Giặt, phơi, xếp, ủi, treo lên móc. Mỗi sáng, tôi chỉ việc
mặc những chiếc áo rất thẳng thớm tinh tươm để đến trường. Cho đến một
ngày nọ mẹ đi vắng, và trời trưa đang nắng bỗng lắc rắc vài hạt mưa.
Không cách nào khác, tôi phải làm. Lấy quần áo từ sào phơi, ôm vào
phòng. Tôi chợt nhận ra quần áo vừa lấy từ sào xuống thật là thơm, một
mùi hương mới mẻ, lạ lẫm, thanh sạch, “nóng giòn”. Mùi của nắng. Và lần
đầu tiên trong đời, tôi ngồi xuống bên đống quần áo, lóng ngóng, bắt đầu
xếp từng cái một.
Tôi chỉ muốn nói rằng …những ví dụ đó không hoàn toàn là những
việc nhỏ nhặt.
Khi không tự làm điều gì đó cho bản thân - chẳng hạn như việc xúc
cơm, với bạn, hay việc xếp quần áo, với tôi - ta có thể tận hưởng cảm giác
thoải mái của sự bảo bọc (hay lười biếng), nhưng đồng thời, chúng ta cũng
đang đánh mất dần - từng chút - một điều rất có ý nghĩa với đời mình: bản
năng độc lập.
Bản năng mạnh mẽ nhất của con người là học lấy những kỹ năng sống
nhằm tự tồn tại. Vừa lọt lòng mẹ, chúng ta khóc oe oe đòi sữa, vì “con khóc
mẹ mới cho bú”. Không có ai dạy cả, Rồi ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết
bò, chín tháng lò dò biết đi… Rồi nhảy cú nhảy đầu tiên. Ngã cú ngã đầu
tiên… Cha mẹ đứng quanh vỗ tay cổ vũ, khen ngợi. Nhưng chính chúng ta,
dù bé nhỏ, mong manh như vậy, khi mới vài tháng tuổi đã tự mình làm nên
những kỳ tích.
Hãy nhớ lại lúc bé thơ. Khi nào mẹ cho bạn cầm kéo cắt hình chiếc lá:
đó là khi mẹ tin rằng bạn có thể cầm kéo mà không tự cắt vào tay mình. Ba
mẹ không bế ẵm ta nữa, nếu ta đã biết đi, muốn tự đi một mình và quan