Và vì thế, họ không thể chia sẻ những bí mật, những sai lầm, những
nghi ngờ, sự giận dữ hay nỗi lo âu. Và trong cuộc đời thực cũng vậy, nạn
nhân thường là những người đơn độc. Bởi vậy, đừng bao giờ trở thành một
người đơn độc, hay để người khác trở thành đơn độc.
Chúng ta có nguy cơ trở thành nạn nhân khi rời nhau ra, khi bị xé lẻ.
Chúng ta đã đọc truyện bó đũa từ thời thơ bé, nhưng lại quên nó hoài. Là
người tốt, không đủ. Là người lương thiện, không đủ. Để tự vệ trước cái ác
chúng ta cần sức mạnh của số đông. Thỉnh thoảng, chúng ta lại bật ngửa
khi nhận ra rằng “người tưởng như thế đó mà lại làm ra chuyện thế này ư
?” Chúng ta bất ngờ khi một cô bạn vốn vui vẻ thân thiện ngày xưa bỗng
một hôm ra tay xé áo đánh người như trong phim xã hội đen. Chúng ta bất
ngờ khi một người vốn hiền lành bỗng dưng có hành động bạo lực. Nhưng
có thật người ta biến đổi bất ngờ đến vậy không?
Câu trả lời là không, chẳng có ai ngủ một đêm thức dậy bỗng hoá ra
độc ác, bạo lực, hay xấu xa. Luôn luôn có một quá trình. Luôn luôn có
những biểu hiện trong quá trình đó dù rất nhỏ. Điều đáng buồn là dường
như chúng ta luôn tặc lưỡi lướt qua những điều rất nhỏ.
Và rồi, những điều tồi tệ diễn ra là bởi chúng ta đã bỏ qua những điều
rất nhỏ đó. Những điều tốt nho nhỏ chúng ta đã không làm, như một cái
mỉm cười, một lời thăm hỏi, một hành động giúp đỡ... Và những điều xấu
nho nhỏ chúng ta đã làm, như một lời xúc xiểm bâng quơ, một ánh nhìn
khinh rẻ tình cờ...
Sẽ rất tai hại nếu chúng ta quên rằng một lời nói tử tế chân thành có
thể xoa dịu và níu giữ con người với cái thiện, cũng như chỉ một lời rẻ rúng
cũng có thể gây tổn thương sâu sắc và đánh thức con quỷ ngủ say...
Làm sao để loại trừ cái ác? Câu trả lời thường thấy là hãy tránh xa nó,
và nếu bắt gặp thì trừng phạt nó thích đáng. Nhưng còn một cách nữa, đó là
đừng để người khác có cơ hội trở thành người xấu. Đừng bỏ rơi, đừng ép