Chúng ta chỉ sở hữu mà cứ ngỡ rằng mình đang được hưởng thụ. Đó là
một ảo giác. Hoặc chúng ta đang trải qua điều này mà cứ tưởng mình đang
hưởng thụ một điều khác. Đó lại là một ảo giác khác. Ví như khi bạn tưởng
mình đang tận hưởng tình yêu say đắm nhưng thực ra chỉ là những thỏa
mãn nhục dục. Không hơn.
Một người bạn vong niên của tôi từng nói về những ảo giác rằng:
“Nếu người ta ngưỡng mộ anh chỉ vì anh viết ra những điều hay ho - trong
khi chẳng biết anh là ai - thì nhớ đó chỉ là ảo giác. Bởi vì sẽ có một ngày
anh viết dở tệ, và sự ngưỡng mộ tan vào hư không”.
Sự ngưỡng mộ của người khác dành cho một món đồ mà chúng ta sở
hữu cũng vậy, chỉ là ảo giác, bởi dù thật hay giả thì đến một lúc nào đó
chúng cũng bay biến đi, kể cả khi món đồ vẫn ở lại.
Hưởng thụ, hay chỉ trải qua? Kết quả khác nhau chỉ là sự mãn nguyện.
Khi chỉ trải qua, chúng ta thường hay băn khoăn: Phải chăng đó đã là cái
đẹp thực sự? Chuyến du ngoạn đáng giá? Bữa ăn đáng tiền? Phải chăng
chiếc điện thoại đó đã là “đỉnh” nhất? Chiếc áo đó đã là đẹp nhất? Phải
chăng ta đã có được thứ tương xứng với những gì ta bỏ ra? Những người
hưởng thụ thực sự thì không băn khoăn, mà thường mãn nguyện. Những
người thực sự tận hưởng hạnh phúc cũng vậy, họ mãn nguyện. Niềm vui
đôi khi bị thúc đẩy bởi nhu cầu phải hét toáng lên cho cả thế gian. Nhưng
sự mãn nguyện thường có gương mặt rất lặng lẽ, và hiếm khi phô trương.
Tôi nhận ra rằng để hưởng thụ thực sự, chúng ta cần phải học hỏi và
có hiểu biết nhất định về điều ta đang làm, đang tận hưởng, đang thưởng
thức. Biết mình có gì, hiểu thứ mình có và biết cách tận hưởng tối đa những
gì ta xứng đáng được hưởng, đó mới là hưởng thụ.
Chiều xuân muộn, ở Tao Đàn. Thay vì đi lang thang ngắm hoa, tôi tìm
một chỗ ngồi trong khu ẩm thực và gọi một ly bia lớn. Tôi nhận ra rằng khi
quay nhìn lại, mình sẽ thấy rất nhiều nuối tiếc. Nhưng nuối tiếc thì có ích gì