Sau khi xe cấp cứu đi khỏi, công viên liền bị phong tỏa. Cảnh sát
bắt đầu cùng người quản lý công viên kiểm tra hiện trường, xem
còn chỗ nào giấu lưỡi dao nguy hiểm. Hứa Hủ nói rõ thân phận của
cô với cảnh sát, cô cũng là nhân chứng nên được phép ở lại hiện
trường.
Tuy trước đây Hứa Hủ theo giáo sư phân tích không ít vụ án,
nhưng đây là lần đầu tiên cô tận mắt chứng kiến. Cảnh sát và nhân
viên cấp cứu đều khen cô xử lý tình huống khẩn cấp rất tốt, giữ
hiện trường hoàn chỉnh. Do đó, trong lòng Hứa Hủ xuất hiện niềm
hưng phấn và hồi hộp khó tả.
Trong tâm trạng hưng phấn đó, Hứa Hủ đã quên cả thời gian,
đồng thời quên cả bài tập Quý Bạch giao.
“Em quên mất.” Hứa Hủ thật thà trả lời. “Ở đây xảy ra vụ án cố ý
gây thương tích cho người khác.”
Cô báo cáo vắn tắt sự việc, Quý Bạch trầm mặc vài giây rồi nói:
“Đưa điện thoại của em cho người phụ trách hiện trường.”
Cảnh sát phụ trách hiện trường là người đàn ông ngoài 30 tuổi.
Sau khi nhận điện thoại, anh ta cười nói: “Quý đội, xin chào, xin
chào! Chuyện là thế này…”
Trình bày một lúc, người cảnh sát trả điện thoại cho Hứa Hủ. Quý
Bạch hỏi: “Điện thoại của em có chức năng liên lạc bằng hình ảnh
không?”
Hứa Hủ hơi bất ngờ: “Có ạ.” Sản phẩm IT là sở thích của cô, di
động, máy vi tính và Mp4 đều là hàng tiên tiến nhất.