Trần Nhã Lâm nói tiếp: “Tôi còn nghe thấy bọn họ gọi “thỏ, thỏ” gì đó,
chắc là đặt biệt hiệu cho Hứa Hủ.” Chị thở dài: “Những người lính này
phần lớn là con em nhà nông, mới tí tuổi đầu đã bị cuốn vào chiến loạn,
không được hưởng môi trường trưởng thành bình thường. Thật ra bản tính
của bọn họ đều chất phác và lương thiện, không hề có ác ý.”
Người cảnh sát lớn tuổi cười ha hả. Quý Bạch chú ý lắng nghe, đám binh
lính nói bằng tiếng Miến Điện, trong đó xuất hiện cả từ tiếng Trung “thỏ”,
“thỏ con” gì đó.
Lúc này, còi tập hợp vang lên, đám binh lính đều đứng dậy đi tới chỗ
Tisza. Hành lang trống không trong giây lát. Hứa Hủ vẫn ngồi nguyên một
chỗ ăn cơm.
Một lúc sau, Quý Bạch nhận được tin nhắn của cô: “Em ăn không hết, anh
biết chỗ nào đổ đi không?”
Quý Bạch nhắn lại: “Em hãy đi ra sau nhà đợi anh.”
Sau nhà là một hành lang rất rộng, được lát toàn bằng gỗ màu nâu vàng,
giẫm chân xuống nền nhà phát tiếng kêu cồm cộp. Bên ngoài là ngọn núi
nhỏ, rừng cây rậm rạp, ráng chiều rực rỡ. Hứa Hủ ngồi đợi một lúc liền nhìn
thấy Quý Bạch xuất hiện ở lối rẽ.
Nơi này dùng một cái đĩa sắt rất to để đựng cơm. Đám binh lính hào phóng
nhét đầy đồ ăn vào đĩa của cô, nào là cá nướng, thịt bò, khoai lang, rau
xanh, hoa quả... Cô gần như không đụng đến, nhưng đồ ở trong đĩa của cô,
không tiện chia cho người khác.
Hứa Hủ không thích lãng phí đồ ăn, người bản xứ và binh lính vô cùng
quý trọng lương thực, đổ thức ăn thừa bị người khác nhìn thấy thì không
hay. Nhưng khách sạn không có tủ lạnh nên chẳng thể để lại bữa sau.
Quý Bạch ngồi cạnh Hứa Hủ. Nhìn cô nhăn mặt nhíu mày, anh mỉm cười,
giơ tay cầm đĩa thức ăn: “Để anh ăn, đổ đi không hay lắm.”