chừng ở xung quanh.
Quý Bạch và Hứa Hủ đã fax hồ sơ của Phùng Diệp về đội cảnh sát hình sự,
thông báo công an toàn thành phố tìm kiếm con người này, đồng thời liên
lạc với phía cảnh sát Hồng Kông để tìm hiểu thêm tình hình. Nhận được tin
tức, mọi người hết sức phấn chấn, nhưng tâm trạng trở nên nặng nề hơn.
Men theo lối đi chật hẹp vào bên trong khu tập thể, Quý Bạch dừng bước:
“Hay là em quay về ô tô đợi anh?”
Hứa Hủ liếc anh một cái: “Không cần đâu.”
Quý Bạch không tiếp tục khuyên nhủ, mà dặn dò những người cảnh sát
khác phải hết sức cẩn thận.
Hung thủ của vụ án này là tên tâm lý biến thái, công việc của Hứa Hủ có
vai trò vô cùng quan trọng. Là đội trưởng đội cảnh sát hình sự, Quý Bạch
không thể gạt cô ra ngoài.
Anh chỉ còn cách cố gắng bảo vệ cô thật tốt.
Nhà Phùng Diệp ở trên tầng sáu. Người mở cửa là cậu ruột của hắn, một
người đàn ông gầy gò ngoài 40 tuổi. Ông ta là công nhân kỹ thuật của nhà
máy.
“Phùng Diệp còn có người thân khác không?” Hứa Hủ hỏi.
Ông cậu trả lời: “Không, bố mẹ nó qua đời từ lâu rồi.” Ngập ngừng vài
giây, ông ta hỏi: “Đồng chí cảnh sát, các đồng chí muốn điều tra cái gì. Vụ
án ở Hồng Kông đã trôi qua mấy năm, chẳng phải Phùng Diệp rơi xuống
biển chết mất xác rồi hay sao?”
Mọi người tất nhiên không trả lời, Quý Bạch chuyển đề tài: “Chúng tôi
muốn xem đồ đạc cá nhân của Phùng Diệp.”