Bố mẹ tôi là người câm điếc, họ đối xử với tôi không tồi. Nhà nghèo chẳng
có tiền, nhưng họ vẫn nuôi tôi thành người cao lớn vạm vỡ, còn bọn họ gầy
trơ xương như một đôi sâu bọ đáng thương.
Vì vậy tôi không giết bọn họ. Tôi giấu giếm bọn họ nhiều chuyện. Để bọn
họ tiếp tục sống vui vẻ trong thế giới nhỏ bần cùng, tôi cũng coi như tận
hiếu với bọn họ.
Vào năm 10 tuổi khi tôi học lớp bốn, một buổi chiều đến trường, tôi phát
hiện nhiều bạn học đang khóc. Hỏi ra mới biết, thầy giáo dạy môn toán cao
tuổi mắc bệnh gì đó vừa qua đời. Cả lớp học khóc sướt mướt, cô chủ nhiệm
trẻ tuổi mắt đỏ hoe nói với học sinh: “Chúng ta cùng mặc niệm thầy.”
Lúc đó tôi chỉ muốn cười, người khác qua đời, tại sao chúng tôi phải mặc
niệm? Ông già dạy toán rất lắm lời, suốt ngày chê vở bài tập của tôi không
sạch sẽ. Xì, tư duy giải bài tập của tôi tuyệt vời như vậy. Xem ra, ông già đó
chết là rất đúng.
Nào ngờ cô chủ nhiệm nhìn thấy tôi, vẻ mặt cô vô cùng kinh ngạc: “Phùng
Diệp, tại sao em... lại cười?”
Tất cả đám học sinh dồn ánh mắt về phía tôi, bọn chúng nước mắt ngắn
nước mắt dài, trông rất ngớ ngẩn. Tôi lập tức mếu máo, “òa” một tiếng rồi
nằm bò xuống mặt bàn sụt sịt. Tôi là học sinh ngoan, tất nhiên biết rõ cần
biểu hiện ra sao. Vừa rồi tôi nhất thời quên mất.
Một lúc sau, cô chủ nhiệm đi đến xoa đầu tôi, đồng thời nói với một cô
giáo khác ở bên cạnh: “Xem ra thằng bé sợ quá hóa mù mờ. Bình thường
thầy dạy toán quý nó nhất.”
Tôi vùi mặt trong cánh tay, ngoác miệng cười.
Tuy tôi thật sự tìm không ra thứ gọi là lòng thương cảm nhưng tôi vẫn yêu
cuộc sống như thường lệ. Tôi thích những lời khen ngợi của thầy cô dành
cho tôi, thích sự ngưỡng mộ của các bạn học, yêu thích thế giới đẹp đẽ và