nhiều tác giả
Nếu Ta Cười Nổi
Cửa sau
- Ở quê mình nhà nào cũng có cửa sau. Mỗi khi đi xa, nhớ ba nhớ má, nhớ
nhà, nhớ luôn cái ngạch cửa trước, nhớ cái chái cửa sau. Rồi chợt hiểu vì
mắc mớ gì mà người con gái xưa thầm lén “chiều chiều ra đứng cửa sau”
để “trông về quê mẹ” để “ruột đau chín chiều”.
Ở nhà mình cũng có cái cửa sau. Cửa nhìn ra vườn cây xanh mịt, trắng
loáng loáng ngoài kia là chòm mả ông bà tổ tiên. Những chiều xa nhà, ngồi
dưới đò đi dọc theo các triền sông nhìn cửa sau của những ngôi nhà trầm
lắng trong nắng héo. Không hiểu sao mình cảm thấy tội nghiệp mình ghê
lắm. Người ta có nhà, còn nghề nghiệp mình thì giang hồ mãi tận đâu đâu.
Mình nhớ cửa sau nhà mình. Không phải chỉ là nơi để đi ra đi vào, cửa trở
thành một khung tranh.
Chị mình vẽ cảnh ngồi giặt áo trong cái nền sẫm đỏ của hoàng hôn. Ba
mình vẽ vào khung một thân mình chắc nịch, đỏ au vì nắng gió trên đồng,
những làn nước trong văn trong vắt từ cái lu nước nhỏ bên cửa bắn tung tóe
mỗi lần ba tắm. Bà nội mình ngồi trên cái đôn cưa bằng gỗ mù u, vẽ vào
cửa sau một cái nhìn khắc khoải, ngoài vườn chiều kia, dưới trăng chiều kia
có mộ ông, có mộ các chú nằm xuống khi tuổi còn rất trẻ. Trên khung tranh
còn má mình chiều nào cũng ngồi dưới chái lá, trước mặt má là thúng rau
cần nước, sịa ngò gai đang lặt dở. Tay má nhăn, tái xanh vì ngâm nước lâu,
trán má nhăn vì lo toan, vất vả. Cạnh đó, có phải mình không vậy ta, có
phải mình đang ngồi chồm hổm trước nồi cơm đầy lọ, trong bức tranh
chiều, dường như có tiếng cạo cơm cháy sồn sột và tiếng trẻ nít cười rân.
Đêm đầy sao, mở cửa sau chợt hương bông cau, bông bưởi ùa vào đầy ứ
mũi. Muốn thở chỉ sợ hương tan. Nghe con chim heo kêu nghe sợ mơ hồ,
chạy cuống chạy cuồng qua cửa rồi mà hương vẫn còn theo.