được khoảng 40 trẻ khiếm thị. Nhưng bây giờ thì biết làm sao! Đủ loại
khuyết tật, đủ loại lứa tuổi cũng là đủ loại nhu cầu ăn ở học hành, mối lo
của các thầy, giờ có khác gì mối lo của những người mẹ đang nuôi cả đàn
con mọn nheo nhóc.
"Đáng ra chùa phải dựng trước", các sư thầy
hơn ai hết hiểu chữ "đáng ra" ấy, nhưng rồi lại chính các thầy dốc lòng, dồn
sức người sức của vốn đã hạn hẹp của chùa để lo trước bữa cơm cho hơn
trăm miệng ăn, để lo làm thêm nhà cho hơn trăm cuộc đời bất hạnh. Còn
ngôi chùa, kế hoạch sẽ là ba năm, đành phải từ từ từng bước dựng lại. Lòng
Phật từ bi, cốt ở tấm lòng chứ cốt đâu ở lời tụng ca, nơi thờ phụng! Người
đời tin thế khi nghĩ đến các bậc chân tu.
Nhưng mối lo của người thoát tục cũng đâu có vì thế mà dứt đi được. Nuôi
dưỡng một con người đâu chỉ là nuôi phần xác, nên chuyện học của cả trăm
con người lại càng là nỗi lo trăm bề. Chùa nghèo, các thầy chỉ đủ sức mở
được tại chùa năm lớp, từ lớp 1-5 mời các thầy cô giáo về dạy. Các em lớn
hơn được gửi đi học ở bên ngoài; hai em câm điếc thì gửi vào Trường Hi
Vọng của quận; còn ba em tuổi mẫu giáo thì các sư thầy gửi tới lớp học của
các xơ bên Công giáo...
Học ở đâu cũng là được học, nhưng nhà chùa nuôi dạy trẻ trong chùa, vậy
có dạy cho trẻ giáo lý nhà Phật? Câu hỏi từng canh cánh bên lòng của
người đời đã nhận được câu trả lời thật nhẹ nhõm của thầy Quang Hạnh,
phó trụ trì chùa Kỳ Quang và cũng là thường trực ban điều hành cơ sở từ
thiện: "Các em được dạy theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục. Chúng
tôi lấy môi trường xã hội chứ không lấy môi trường tôn giáo để dưỡng dục
các em. Mình cứ sống cho thật thành tâm đi đã...".
Vị đại đức tuổi 32, tất bật và vui vẻ, bất ngờ ngoắc một bé gái chừng hai
tuổi "lại đây với cha" rồi quay sang các vị khách, mặt rạng rỡ giới thiệu:
"Đây là bé Mai Kiều Hạnh. Mai và Hạnh là họ và pháp danh của thầy, còn
Kiều là tên của một trong chín người mẹ đang giúp chùa nuôi dạy các trẻ.