nhiều tác giả
Nếu Ta Cười Nổi
Chân tu
- Chùa Kỳ Quang (154/4A Lê Hoàng Phái, Gò Vấp, TP.HCM) lúc này chỉ
còn lại chiếc cổng tam quan. Ngôi chùa cũ nát đã phải hạ xuống từ tháng tư
để làm mới lại. Nhưng đã hơn nửa năm rồi, nền đất nhỏ để dựng lại ngôi
chùa nhỏ vẫn ngổn ngang gạch ngói, sắt thép.
Hàng trăm bức tượng lớn nhỏ vẫn... tạm trú trong căn phòng chật chội và
bề bộn vật dụng của cả một ngôi chùa đã có từ 50 năm nay. Chưa có được
cơ ngơi khang trang để thờ cúng thì các nhà sư thanh thản khấn Phật ở
trong lòng. "Chùa đáng ra phải dựng xong rồi nhưng cái gì cần trước thì
phải làm trước" - đại đức Thích Quang Hạnh bảo vậy - hướng mắt về đám
trẻ nhỏ vừa tan học về đang thơ thẩn trước sân chùa.
115 trẻ nhỏ như thế đang sống ở chùa Kỳ Quang. Danh nghĩa là cơ sở từ
thiện nuôi dạy thanh thiếu niên khiếm thị nhưng đã không chỉ có trẻ khiếm
thị sống ở đây; trẻ bại liệt, bại não, câm điếc, trẻ sơ sinh, trẻ lành lặn bình
thường bị cha mẹ bỏ rơi cũng tụ cả về nương náu cửa Phật.
Có bà ngoại tuổi 80, sau cơn lũ miền Trung ác nghiệt đã lên tàu vào Nam,
đau đớn gửi lại chùa đứa cháu tám tháng tuổi vừa mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có
cả ba anh em, cha mẹ ly tán, không người nuôi dưỡng, lại tìm thấy chỗ sum
họp với nhau ở nơi này. Như thể "tiếng lành đồn xa", con số trẻ bị vứt bỏ
cũng tăng lên từng tháng trước cửa chùa. Mới nhất là hai trẻ song sinh trai
mỏng mảnh, non dại, quẫy đạp trong cái khăn bọc ẩm ướt, cũng vừa được
gửi gắm cho các thầy theo đúng cách như thế trong một buổi chiều buồn
bã...
Chùa nghèo, cơ sở vật chất cũng nghèo, với tấm lòng của bà con phật tử
gần xa thì dự định ban đầu năm 1995, các thầy cũng chỉ nghĩ sức mình nuôi