tưởng nào có thể làm người thứ hai đồng ý. Sau đó đến lượt người thứ hai
đổi vai và trở thành người lập kế hoạch cho buổi tiệc. Người thứ nhất bây
giờ phải chấp thuận mọi ý kiến và phải xây dựng dựa vào các ý tưởng đó.
Ví dụ: “Chúng ta hãy lập kế hoạch cho một bữa tiệc vào tối thứ Bảy nhé.”
Câu trả lời có thể là: “Ừ, tôi sẽ mang bánh đến nhé.” Cuộc trò chuyện tiếp
diễn và các ý tưởng có thể đi xa hơn. Chẳng hạn buổi tiệc có khả năng sẽ
diễn ra dưới nước hoặc trên một hành tinh khác, và có thể gồm nhiều loại
món ăn và các thú tiêu khiển lạ lùng. Nguồn sinh lực trong phòng tăng lên,
bầu không khí tràn đầy nhiệt huyết, và một số lượng khổng lồ các ý tưởng
được tạo ra.
Đây là nguồn sinh lực nên hiện diện trong suốt một buổi động não có
hiệu quả. Đương nhiên là ở một thời điểm nào đó bạn cần phải quyết định
được cái gì là khả thi, nhưng điều đó không nên xảy ra trong giai đoạn
“hình thành ý tưởng”. Động não là bứt phá khỏi những cách tiếp cận thông
thường trong việc giải quyết một vấn đề. Bạn nên tự do lật ngược các ý
tưởng, đưa chúng từ trong ra ngoài, và hành động bừa bãi khác thường. Ở
giai đoạn cuối của buổi động não bạn sẽ thấy ngạc nhiên bởi hàng loạt các ý
tưởng được hình thành. Và trong hầu hết các trường hợp, ít nhất một vài
trong số chúng sẽ là hạt giống cho những cơ hội to lớn đang chín muồi cho
những khám phá xa hơn.
Một điều rất quan trọng cần ghi nhớ là sự hình thành ý tưởng bao gồm
sự khám phá bối cảnh của các khả năng. Chẳng tốn kém chút nào khi tạo ra
những ý tưởng lạ lùng, và không cần phải bó buộc mình vào bất cứ ý tưởng
nào trong số chúng. Mục tiêu là nhằm phá vỡ các luật lệ bằng cách hình
dung ra một thế giới nơi các quy luật của tự nhiên rất khác và những giới
hạn đều bị triệt tiêu. Khi hoàn tất giai đoạn này thì đã đến lúc chuyển sang
giai đoạn “khai thác”. Ở đây bạn sẽ lựa chọn một số ý tưởng để khám phá
sâu hơn. Đến lúc đó bạn có thể nhìn nhận các ý tưởng dưới ánh mắt phê
bình, đánh giá.
*
* *