đình ông. Không thể tin nổi! Đặc biệt khi điều này có được là nhờ việc tôi giúp ông tìm ra cách để làm
nước chanh. Tất nhiên, tôi giúp Ecuador không phải vì tôi muốn có một chuyến bay trên trực thăng. Nhưng
bằng cách xông pha vào cuộc sống, cởi mở giúp người khác, nên những năm sau này tôi đã trở nên khá
“may mắn”. Trước đó tôi thảo luận về nghệ thuật biến chanh (các vấn đề) thành nước chanh (những cơ
hội). Nhưng may mắn còn vượt xa hơn nữa, đó là việc biến nước chanh (những điều tốt đẹp) thành máy
bay trực thăng (những điều tuyệt vời!).
Trên thế giới có rất nhiều cánh cửa mà qua đó chúng ta có thể tìm thấy nhiều cơ hội đến mức đáng
kinh ngạc – chúng ta chỉ cần sẵn sàng để mở chúng. Carlos Vignolo, từ Đại học Chile, thích nói rằng nếu
bạn đi đâu đó và không gặp một người mới nào, bạn chắc chắn đã bỏ lỡ cơ hội làm bạn cũng như khả năng
có thể làm ra cả triệu đôla. Ông nói với sinh viên của mình rằng mỗi khi họ bước lên một xe buýt ở thành
phố, 1 triệu đôla đang chờ họ ở đó – họ chỉ việc tìm ra nó mà thôi. Trong trường hợp này “1 triệu đôla” là
một phép ẩn dụ cho việc học cái gì mới, có một người bạn mới, hoặc thực sự làm ra 1 triệu đôla. Trên thực
tế, cuốn sách này là kết quả của cuộc nói chuyện giữa tôi với một người ngồi cạnh tôi trên máy bay. Nếu
chúng tôi đã không bắt đầu một cuộc trò chuyện thì chắc hẳn tôi sẽ không viết ra cuốn sách này. Nhưng
thôi, đó là một câu chuyện khác.
Cũng nhấn mạnh luận điểm trên, Tom Kelley, tác giả của The Art of Innovation, nói rằng mỗi ngày
bạn nên hành động như một du khách nước ngoài bằng cách nhận thức sâu sắc về môi trường của bạn.
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta có xu hướng đặt những tấm màn che trước mắt và đi theo những con
đường cũ mòn, hiếm khi dừng lại để nhìn quanh. Tuy nhiên, như một khách du lịch nước ngoài, bạn nhìn
thế giới với đôi mắt mới mẻ và gia tăng đáng kể mật độ trải nghiệm của bạn. Bằng cách để ý nhiều hơn,
bạn tìm thấy những điều thú vị khắp nơi quanh mình.
James Barlow, người đứng đầu Viện Kinh doanh Scotland, đã ra một bài tập cho các sinh viên của
mình để chứng minh điểm này. Ông giao trò chơi ghép hình cho một số đồng đội và để đồng hồ tính thời
gian xem đội nào hoàn thành đầu tiên. Các mảnh ghép đã được đánh số sau lưng, từ 1 đến 500, vì thế rất dễ
dàng ghép chúng lại với nhau nếu bạn chỉ cần chú ý đến các con số. Nhưng ngay cả khi các con số ở trước
mắt họ, hầu hết các đội phải mất một thời gian dài để nhìn thấy chúng, và một số đội thì thậm chí không hề
nhìn thấy. Về cơ bản, họ có thể dễ dàng gia tăng may mắn của mình chỉ bằng cách để ý kỹ hơn.
Việc để ý kỹ đến môi trường của bạn thực sự mất mát rất nhiều công sức. Bạn phải tự học để làm được
điều đó. Vì thậm chí ngay cả khi bạn đang chú ý, bạn vẫn có thể bỏ lỡ những thông tin cực kỳ quan trọng
và lý thú ngay trước mặt mình. Có một đoạn phim được phổ biến rộng rãi đã thể hiện tất cả những điều này
rất rõ ràng. Các khán giả xem một nhóm đàn ông và phụ nữ chơi bóng rổ, kèm theo yêu cầu đếm số lần đội
mặc áo sơ mi trắng chuyền bóng. Ở cuối đoạn phim, những người xem đều có thể dễ dàng trả lời câu hỏi,
nhưng không ai biết gì về một người trong trang phục con gấu đã lặc lè bước qua trong thời gian diễn ra
cuộc chơi.
Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng mình đang hoàn toàn tập trung chú ý thì thường vẫn có rất
nhiều thứ hơn nữa để xem.
Tôi làm bài tập đơn giản trong lớp để minh họa rõ điều này. Tôi đưa các sinh viên đến một địa điểm
quen thuộc, chẳng hạn như trung tâm mua sắm địa phương, và yêu cầu họ hoàn thành một “thí nghiệm”
trong đó họ phải đi đến một số cửa hàng và chú ý đến tất cả những thứ thường được xem là “vô hình”. Thế
là họ dành thời gian để tâm đến các âm thanh, mùi vị, kết cấu, và màu sắc, cũng như cách tổ chức hàng hóa
và cách các nhân viên tương tác với khách hàng. Họ quan sát vô số những điều họ chẳng bao giờ nhìn thấy
trước đây khi họ ra vào các môi trường như vậy. Họ trở về với đôi mắt rọng mở hơn, và nhận ra rằng tất cả
chúng ta có xu hướng đi qua cuộc sống với những tấm màn che ngang mắt.
Những người may mắn không chỉ chú ý đến thế giới xung quanh và gặp gỡ những người thú vị, mà họ
cũng tìm ra những cách khác thường để sử dụng và tái tổ hợp các kiến thức và kinh nghiệm của họ. Hầu
hết mọi người đều có những năng lực đặc biệt trong tầm tay mình, nhưng không bao giờ tìm ra cách để tận
dụng chúng. Tuy nhiên, những người may mắn đánh giá rất cao giá trị của kiến thức và mạng lưới các mối
quan hệ của mình, và luôn tận dụng các mỏ vàng này khi cần thiết. Một trường hợp cũng khá lý thú từ bài
phát biểu trong lễ tốt nghiệp của Steve Jobs tại Stanford. Ông đã bỏ học sau sáu tháng vì ông không hiểu
tại sao mình lại ở đó, còn tiền học phí thì đắt hơn rất nhiều so với khả năng chi trả của cha mẹ ông. Steve
đã kể lại như thế này:
Sau sáu tháng, tôi không thể nhìn thấy giá trị [ở trường đại học]. Tôi không biết những gì tôi muốn làm
với cuộc sống của mình và không hiểu được làm thế nào trường đại học sẽ giúp tôi nhận ra được điều đó.
Và ở đây tôi đã hoang phí những đồng tiền mà cha mẹ tôi tiết kiệm được trong cả cuộc đời của họ. Vì vậy,
tôi quyết định bỏ học và tin rằng mọi việc sẽ trở nên ổn thỏa. Tôi cảm thấy khá sợ hãi vào thời điểm đó,
nhưng khi nhìn lại đó là một trong những quyết định tốt nhất mà tôi đã từng thực hiện. Giây phút rời