Bài học này hữu ích khi giao dịch với người lạ cũng như khi chúng ta làm việc trong nhóm. Thật
không may, hầu hết chúng ta đều dành rất nhiều thời gian cho các tình huống mà chúng ta được khuyến
khích dành chiến thắng khi người khác thua cuộc, nên thật khó để thực hành việc giúp đỡ người khác. Tôi
còn nhớ tuần đầu tiên ở đại học, khi tôi nhờ một cô bạn trong ký túc xá giúp làm một bài tích phân, ngay
lập tức cô ấy nói: “Nếu tôi giúp cậu thì cậu sẽ làm tốt hơn tôi, và cậu sẽ được nhận vào trường y còn tôi thì
không.” Tôi không phóng đại chút nào. Cô ấy đã không sẵn lòng giúp tôi bởi vì bốn năm nữa chúng tôi có
thể sẽ cạnh tranh nhau. Nhiều năm sau, tôi lại nghe con trai của tôi than thở rằng tất cả các lớp học của nó
đều được đánh giá theo một đường cong với chóp nhọn. Điều này có nghĩa rằng ngoài việc tập trung
nghiên cứu tài liệu cho một kỳ thi, nó và các bạn cùng lớp còn phải suy tính xem mình sẽ làm bài như thế
nào để so kè với nhau. Đây là một điều khiến cho việc giúp đỡ lẫn nhau thật khó thực hiện.
Sau nhiều năm làm việc trong môi trường như vậy, tôi chẳng biết làm thế nào để trở thành một đồng
đội tốt khi làm việc nhóm. Tôi phải mất một thời gian dài để nhận ra rằng tư duy cạnh tranh này, nơi bạn
giành chiến thắng khi một người nào đó phải thua cuộc, là hoàn toàn phản tác dụng. Hầu như tất cả mọi thứ
trong cuộc sống đều được thực hiện theo nhóm, và những người không biết làm thế nào để khiến cho
những người khác thành công đều đang ở một thế rất bất lợi. Những đồng đội tốt nhất thường cố gắng hết
mức để làm cho những người khác đạt kết quả cao. Trên thực tế, khi bạn đạt được vị trí càng cao trong một
tổ chức thì đóng góp cá nhân của bạn càng trở nên ít quan trọng hơn. Thay vào đó, công việc của bạn trở
thành lãnh đạo, tạo cảm hứng, và tạo động lực cho những người khác làm việc. Giờ đây hầu hết công việc
của bạn được thực hiện bởi các đồng nghiệp có nhiệm vụ triển khai ý tưởng của bạn. Do đó nếu bạn không
thể làm việc tốt với những người khác thì khả năng quản trị của bạn sẽ thui chột dần. Những người đồng
đội thành công hiểu những gì thúc đẩy mỗi người trong nhóm làm việc và tìm cách để làm cho họ thành
công. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo vĩ đại sẽ tìm ra cách để tất cả mọi người được phát huy thế mạnh riêng
của mình.
Tôi đã từng làm việc với những đội mà trong đó tất cả mọi người cảm thấy như thể mình đang làm
những công việc “dễ dàng”. Nếu bạn suy nghĩ về nó, bạn sẽ thấy đó là một môi trường làm việc hoàn hảo.
Mỗi người đều làm những gì mình giỏi nhất, và đánh giá rất cao những gì mà người khác trong đội mang
đến cho công việc chung. Mỗi người đều có một công việc vận dụng được hoàn hảo các kỹ năng và sở
thích của mình. Mỗi người đều cảm thấy phấn khích về những đóng góp của mình, và ăn mừng sự đóng
góp của người khác. Cách nói “hãy vẽ luôn hồng tâm quanh mũi tên” là một tóm tắt tuyệt vời cho quan
điểm này. Lần đầu tiên tôi nghe câu này là từ đồng nghiệp Forrest Glick. Đây là một câu thần chú trong
nhóm của ông khi ông làm việc tại Đại học Harvard. Ý nghĩa ở đây là bạn nên chọn người tài năng nhất
bạn có thể làm được – mũi tên – và sau đó xây dựng công việc – hồng tâm – xung quanh những gì người
đó làm tốt nhất. Nếu bạn tạo điều kiện cho những người thực sự tài năng làm những gì họ giỏi nhất, khi đó
kết quả thu được sẽ rất tuyệt vời. Họ được mãn nguyện và do đó họ sẽ làm việc hiệu quả hơn so với khi họ
phải làm điều gì đó không phù hợp với tài năng hoặc sở thích của bản thân. Điểm mấu chốt ở đây là xây
dựng được một nhóm làm việc gồm những người có kỹ năng bổ sung cho nhau.
Là một ứng viên xin việc làm, mục tiêu của bạn là tìm hiểu xem liệu công việc bạn đang khám phá có
phù hợp với bạn không. Nghĩa là bạn có phải mũi tên phù hợp cho hồng tâm hay không? Thông thường,
chúng ta chỉ tập trung vào việc nhận được công việc thay vì tìm hiểu xem công việc có thực sự phù hợp với
kỹ năng và sở thích của mình, và quan trọng hơn là chúng ta có thể làm việc với những người khác trong
nhóm hay không. Một cách để nhận ra điều này là hãy cung cấp thông tin về các chủ đề ngoài công việc,
và hình thức hay nhất là viết về các sở thích và mối quan tâm của bạn ở dưới cùng trong hồ sơ xin việc. Nó
sẽ gây chú ý cho người phỏng vấn bạn và là một cách dễ dàng để phát hiện ra những sở thích chung. Tôi đã
chứng kiến điều này nhiều lần. Đó có thể là một sở thích chung về ẩm thực Ấn Độ, trí tò mò về bộ sưu tập
gỗ hóa thạch, cùng tham gia một hội hoặc câu lạc bộ, hoặc đã cùng thi đấu trong một môn thể thao ở
trường học. Những điều đáng lưu ý đó sẽ thu hút người phỏng vấn của bạn, và bạn hiện diện như một con
người hơn là một tập hợp các kinh nghiệm làm việc. Và đó cũng là một cách tuyệt vời để tìm hiểu thêm về
người phỏng vấn bạn.
Có một cái bẫy lớn mà những người khôn ngoan thường rơi vào: họ hợp lý hóa việc làm những điều
“khôn” so với làm điều “đúng.” Randy Komisar, tác giả của The Monk and the Riddle, nhấn mạnh rằng
khai khái niệm này thường bị nhầm lẫn với nhau. Người khôn ngoan thường phân tích quá mức một vấn
đề, đến với một giải pháp mà họ nghĩ là đạt được lợi ích tốt nhất cho mình (sự lựa chọn khôn ngoan),
nhưng đó không phải là điều cần làm. Ông kể một câu chuyện cá nhân để minh họa điểm này. Randy thuê
một nhà thầu xây dựng căn nhà của ông. Nhà thầu làm việc rất tồi tệ nên sau đó còn rất nhiều công việc
tiếp theo cần phải thực hiện để sửa chữa những sai lầm. Một thời gian sau khi dự án hoàn thành, nhà thầu
gọi cho Randy và nói với ông rằng ông chưa thanh toán cho hóa đơn cuối cùng. Randy biết nhà thầu làm