có của chúng ta về hành tinh này cùng các đại dương của nó, mà còn phụ
thuộc vào những gì chúng ta tìm hiểu được về không gian. Giống như các
nhà hàng hải đầu tiên thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới trong khi
người ta vẫn nghĩ Trái đất là một mặt phẳng, chúng ta đã phải đi đến chỗ
khám phá ra các thiên hà xa xôi. Làm sao có thể dự kiến được tương lai của
chúng ta nếu không biết một ngày mới bắt đầu như thế nào. Hai câu hỏi
khiến con người phải đối mặt với giới hạn trí tuệ của mình, hai câu hỏi mà
ngay đến cả người thông thái trong số chúng ta cũng không thể trả lời, đó
là: cái gì là lớn nhất, cái gì là nhỏ nhất, và khoảnh khắc số không, thời điểm
mọi thứ bắt đầu là khi nào? Và người nào chấp nhận thử sức ở hai câu hỏi
này cũng không thể hình dung ra nổi giả thuyết dù là mơ hồ nhất.
Thời còn tin rằng Trái đất là một mặt phẳng, con người không thể hình
dung thế giới của họ là ở phía bên kia đường chân trời mà họ có thể nhận
thấy. Vì sợ sẽ biến mất trong hư không, họ e ngại biển khơi mênh mông.
Nhưng một khi họ đã quyết định tiến về phía chân trời, họ càng hiểu được
độ dàn trải của thế giới nơi họ thuộc về.
Giờ đến lượt chúng ta thám hiểm Vũ trụ, để hiểu, ở phía bên kia các
thiên hà mà chúng ta đã biết, vô số các thông tin đến với chúng ta từ các
không gian và thời gian xa xôi. Trong vài tháng nữa, người Mỹ sẽ phóng vệ
tinh không gian mạnh nhất chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Vệ tinh
này có lẽ sẽ cho phép quan sát, lắng nghe và hiểu được Vũ trụ đã được hình
thành như thế nào, liệu trên những hành tinh gần giống với hành tinh của
chúng ta có xuất hiện sự sống hay không. Cần phải tham dự vào chuyến
phiêu lưu này.
Tôi tin là Walter nói đúng, một phụ nữ trẻ ngồi ở hàng ghế thứ tư đang
nhìn tôi chăm chú đến khó hiểu. Gương mặt người này gợi lên trong tôi một
điều gì đó. Chí ít trong căn phòng này cũng có một người đang có vẻ bị
cuốn theo bài diễn thuyết của tôi. Nhưng giờ không phải là lúc để quyến rũ
ai đó, và sau thoáng ngập ngừng ngắn ngủi ấy, tôi kết thúc bài thuyết trình
của mình.