phê và bánh quy không đường. Chúng tôi chưa kịp ăn bữa trưa nên Keira
lập tức ngấu nghiến thứ bánh đó.
- Rõ ràng là cuốn dược điển này bắt đầu khiến tôi tò mò rồi đấy, hàng
năm trời trôi qua không ai quan tâm đến nó, hôm nay bỗng dưng các vị là
những người thứ hai muốn tra cứu nó.
- Ai đó đã ghé thăm bà trước chúng tôi sao? Keira hỏi.
- Không, nhưng sáng nay tôi vừa nhận được một yêu cầu qua thư điện
tử. Cuốn sách này hiện không có ở đây, nó đã được chuyển về lưu trữ tại
Berlin. Trong tòa nhà này chúng tôi chỉ còn những tài liệu mới hơn. Nhưng
những bản văn này, cũng như những tác phẩm khác, đã được số hóa để đảm
bảo độ bền của nó. Các vị cũng có thể gửi yêu cầu qua thư điện tử, tôi sẽ
gửi lại một bản sao từng trang mà các vị quan tâm.
- Tôi có thể biết ai có cùng yêu cầu tra cứu với chúng tôi được không?
- Yêu cầu đó xuất phát từ ban giám hiệu của một trường đại học nước
ngoài, tôi không thể tiết lộ cho hai vị chi tiết hơn, tôi đành ký vào giấy
phép. Chính thư ký của tôi đã xử lý đề nghị tra cứu này, nhưng cô ấy lại đi
ăn trưa mất rồi.
- Bà không nhớ trường đại học này của nước nào ư?
- Hà Lan, tôi nhớ mang máng thế, đúng rồi, tôi tin chắc đó là Đại học
Amsterdam. Dù thế nào đi nữa, yêu cầu đến từ một vị giáo sư, nhưng tôi
không nhớ được tên người này, mỗi ngày tôi ký nhiều loại giấy tờ mà, xã
hội của chúng ta đã trở thành những chuỗi tai họa hành chính thực sự.
Bà thủ thư đưa cho chúng tôi một phong bì giấy bồi, bên trong có một
bản sao màu của tài liệu chúng tôi đang tìm kiếm. Bản thảo rõ ràng được
viết bằng tiếng Guèze; Keira đọc chăm chú. Bà thủ thư ho khẽ rồi nói bản
sao bà vừa đưa cho chúng tôi hoàn toàn thuộc về chúng tôi. Chúng tôi có
thể tùy ý sử dụng. Chúng tôi cảm ơn bà trước khi rời khỏi thư viện.
Phía bên kia con phố là một nghĩa trang rộng mênh mông, nó nhắc tôi
nhớ đến nghĩa trang Old Brompton của Luân Đôn, nơi tôi thường đi dạo.