có được mọi thứ từ đường điện cho tới giấy phép thuê nhân công xây
dựng.
Ngài Shukla mời đến hơn một trăm khách, bao gồm cả phóng viên.
Chúng tôi thuê dịch vụ ăn uống phục vụ bánh gối nóng và bánh vòng
trong những chiếc hộp trắng nhỏ.
Ngài Shukla chào tất cả mọi người từ một cái bệ tạm. “Ba năm nữa,
giấc mơ sẽ thành hiện thực. Đây là món quà cho thành phố của tôi, nơi
xứng đáng với những điều tốt nhất,” ông ta nói.
Tôi ngồi ngay hàng đầu. Tôi liên tục quay lại để xem Aarti đã đến
chưa. Sau diễn văn của ngài Shukla, báo chí đặt câu hỏi. Hầu hết đều
đơn giản, liên quan đến những khóa học và cơ sở vật chất của trường.
Tuy nhiên có vài phóng viên khó nhằn không nể vì gì ông ta.
“Ông Shukla, ông có phải chủ của trường này không? Phần của ông
là bao nhiêu?” một phóng viên hỏi.
“Tôi là thành viên ban quản trị. Tôi không có phần. Đây là cơ sở phi
lợi nhuận,” ngài Shukla trả lời.
“Ai tài trợ đất và xây dựng?”
“Anh Gopal Mishra đây sở hữu mảnh đất này. Tôi muốn khuyến
khích tài năng trẻ nên tôi giúp anh ta gây quỹ,” ngài Shukla nói và lấy
khăn mùi xoa lau trán.
“Quỹ từ đâu vậy?” tay phóng viên tiếp tục.
“Từ nhiều nhà tài trợ. Đừng lo, có người cho tiền, chứ không phải
lấy tiền đâu. Độ này báo chí hay nghi ngờ quá,” ngài Shukla nói.
“Thưa ông, có chuyện gì trong âm mưu Kế hoạch hành động sông
Hằng vậy? Ông bị nêu tên trong đó,” một phóng viên ngồi ở hàng cuối
hỏi.
“Chuyện đấy cũ rích và đã kết thúc lâu rồi. Không có âm mưu nào
cả. Chúng tôi chi tiền để làm sạch sông,” ngài Shukla nói.
Chủ đề mới làm đám phóng viên phấn khích. Ai cũng giơ tay tìm
cách đặt câu hỏi.