Trong hang, nàng mài chiếc cặp tóc mổ vết thương cho chàng và đêm
mò vào rừng, kiếm củ mài, củ chụp mang về hang nuôi chàng. Chàng dạy
nàng học văn hóa. Những dòng chữ viết bằng than thức dậy lịch sử cả một
nền nhân văn. Rồi họ yêu nhau và chịu khổ sở vì tình yêu ấy: Biết bao lần,
nàng chỉ những muốn áp đôi môi nóng bỏng vào môi chàng, nhưng nàng
phải tự kiềm chế bởi vì dẫu sao mình cũng đã hứa hôn. Hàng trăm lần
chàng những muốn nắm cổ tay tròn trắng đầy sức sống kia và kéo ấp xuống
nhưng chàng lại tát vào mặt mình – “Đồ hư đốn! Mày là trai đã có vợ”.
Trong hang, họ sống với nhau thật lạ lùng, cái giả cứ lấn át cái thật.
Đêm, người nàng nóng ran vì khao khát. Nàng lấn đến bên chàng:
- Em rét quá!
Chàng dang rộng vòng tay nhưng chưa kịp ôm đã nghe nàng cằn nhằn:
- Khiếp! Anh hôi quá! Cú còn phải gọi bằng cụ.
Rồi nàng lại gần cái xó riêng của mình để khóc thầm và trăn trở thâu
đêm không ngủ.
Hai người cứ phải tự chiến đấu mãi như thế để bảo vệ một tình yêu
không có thật ở hậu phương. Cho đến khi đơn vị tìm thấy hai người, họ vẫn
chưa hề vượt qua cái barie đạo lý cũ.
Đấy là toàn bộ nội dung một vở kịch của Sỹ Hanh mà chàng và nàng đã
sắm vai trong nhiều đêm diễn ở Trường Sơn những năm chống Mỹ.
Trong kịch, họ không dám vượt qua barie, còn ngoài đời thì ngược lại –
Sau năm 1975, hai diễn viên ấy đã là một cặp vợ chồng đẹp đôi.
Đứa con đầu lòng ra đời đẹp như thiên thần. Căn phòng 8m2 ở khu tập
thể đoàn văn công bừa bộn những tã lót và ầm ĩ tiếng khóc trẻ con. Bập
Bùng không thể bồng con đi theo đoàn văn công lưu diễn mãi ở các tỉnh xa,
đành xin một chân nuôi dạy trẻ ở Hà Nội. Còn chàng thì bây giờ chuyên
đóng các vai phụ, vì chàng chỉ thích hợp với các vai bộ đội, mà sau chiến
tranh vai bộ đội trên sân khấu cứ bé dần, mờ nhạt dần. Trong vở Tấm Cám
chàng sắm vai con gà trống, nhảy lên thành giếng, gáy ò ó o, mách bảo cô
Tấm biết mụ dì ghẻ của cô chôn xương con Bống ở đâu. Thoại Khanh –