trung thành và tính kỷ luật bảo sao làm thế, tuyệt đối không được sai một ly.
Chỉ cần sai một ly thôi đã có thể toi mạng. Luật rừng mà. Thế nhé. Xin
chào. Chúc may mắn. Nhớ đến nhà tìm tôi. Xin lỗi nhé. Tôi vội quá.
Nàng đứng ngẩn ngơ, nhìn mãi theo cái lưng áo bạc trắng của chàng. Và
nàng tức tưởi khóc. Gặp nhau thế này ư? Thế mà mình những nhớ mong
chờ đợi. Nàng thập thững bước dọc hè phố vừa đi vừa chấm nước mắt, chốc
chốc lại nấc nghẹn. Chưa bao giờ nàng căm ghét chàng đến thế. Cũng chưa
bao giờ nàng yêu chàng đến thế.
Mụ “phù thủy” phố Sinh Từ trao cho nàng cái làn nhựa đựng hai mươi
búp len.
- Em xuống ga Vinh, đi xích lô đến ngã sáu, có một người đàn bà trạc 40
tuổi ăn trầu thuốc, xách một cái làn nhựa giống y hệt cái làn này. Trong làn
có hai bó tiền, gói bằng mo cau. Bà ấy sẽ trao cho em cái làn kia và em trao
cho bà ta cái làn này. Cứ lẳng lặng mà làm rồi lẳng lặng đi, đừng hỏi han gì
cả, cũng không phải kiểm tra lại tiền – Mụ im lặng giây lát. Khoảnh khắc
ấy, cặp mắt mụ co lại thành hai đốm sáng, nhỏ, sắc lạnh và ranh ma. Rồi mụ
cười nửa miệng.
- Chị trả cho em mỗi tháng 300 đồng. Tiền tàu xe và ăn uống dọc đường
chị lo tất. Được không?
Nàng suýt reo lên vì mừng rỡ. Mỗi ngày nàng có 10 đồng bạc (Hồi đó
mỗi bát phở giá có 20 xu).
- Đúng là một con phe cáo già – Chàng kêu lên khi nghe nàng khoe về
công việc của nàng ở phố Sinh Từ. Mụ ấy giao việc ấy cho chị thì quá khôn.
Với khuôn mặt thánh thiện của chị, hẳn không một tay công an nào nghi
ngờ gì cái làn nhựa của chị đâu. Cái làn ấy không chỉ có len. Không ai trả
tiền công mang len cao như vậy. Trong ruột các cuộn len là vàng, kim
cương, ngọc trai. Nhưng biết thế thôi. Chị đừng tò mò. Mất dấu hàng của
mụ ấy là chết đấy.
Thế đó, nàng bắt đầu sự nghiệp bằng những chuyến mang len vào Vinh.
Bây giờ mỗi khi nhớ lại quãng đời đã qua, nàng thấy những ngày mang len
vào Vinh là quan trọng nhất. Nó nhanh chóng kéo nàng thoát khỏi cảnh