cuối đời M. Bulgakov đã làm trọn thiên chức đó: ông không im lặng, ông
sáng tác. Mặc dù từ cuối những năm 20 cho đến khi ông mất, và thêm cả gần
một phần tư thế kỷ tiếp theo, ông không được in một dòng nào, hàng loạt tác
phẩm của ông vẫn lần lượt ra đời: các vở kịch Adam và Eva, Ðảo thắm,
Niềm hoan lạc, Những ngày cuối cùng (Puskin), kịch bản chuyển thể Những
linh hồn chết, Chiến tranh và hòa bình, v.v. tổng số ông viết đến mười bốn
vở kịch; văn xuôi có Molier (truyện danh nhân), Tiểu thuyết sân khấu
(Những ghi chép của người quá cố), và tác phẩm bất hủ Nghệ Nhân và
Margarita. Ông không “im lặng”, mặc dù tiếng nói của ông bị bưng bít
không đến được với công chúng. Nhưng “Các bản thảo không cháy”, số
phận nhà văn được định đoạt trên hết bởi nghệ thuật, – bởi tài năng và trách
nhiệm trước Nghệ Thuật. Và từ năm 1962 bắt đầu sự “lớn tiếng” của M.
Bulgakov. Trong vòng chừng dăm năm, với một số (chưa phải là tất cả!) tác
phẩm được công bố, Bulgakov đã trở thành “hiện tượng” trong độc giả Xô
Viết và vượt ra biên giới ngoài nước. Tuy nhiên, giới phê bình chính thống,
các giáo sư vẫn chưa đánh giá cao ông. Phải đến thời “Cải tổ” cuối thập kỷ
80, Bulgakov mới thực sự hiện diện hết tầm cỡ của mình. Tất cả những gì
ông viết ra đều được in đi in lại, nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng nước
ngoài, đưa lên sân khấu. Ðặc biệt, tác phẩm của ông có một sức hút ma quái
đối với các nhà làm phim – hầu hết những tiểu thuyết, truyện vừa của ông đã
được đưa lên màn bạc. Xuất hiện vô vàn các công trình nghiên cứu, các sách
chuyên luận về sự nghiệp sáng tác của ông. Những nhà văn lớn nhất thế kỷ,
từ Tr. Aitmatov đến Gabriel Marquez, đánh giá cao Bulgakov và thừa nhận
ảnh hưởng lớn lao của ông đối với nhiều nhà văn trên thế giới.
Ông mất lúc 16 giờ 39 phút ngày 10 tháng Ba năm 1940 vì bệnh xơ
cứng thận, chưa qua nổi tuổi 49.
Sáng ngày hôm sau có điện từ văn phòng Stalin gọi đến…
Từ rất sớm Bulgakov đã bộc lộ mình là một nhà văn trào phúng. Ông
cũng rất thích những chuyện kỳ bí, ma quái (trong Thư gửi Chính phủ Liên
Xô ông tự nhận mình “tôi là nhà văn thần bí”). Ðiều đó thấy rõ ngay từ
truyện vừa Những quả trứng định mệnh viết năm 1924 và in cuối năm 1925.