phải là đại diện cho loài người nói chung. Ở hắn cũng không có gì chung với
giai cấp vô sản, cái nguồn gốc xuất thân mà hắn phô ra để đòi hỏi các đặc
quyền đặc lợi. Hắn chỉ là điển hình tập trung những gì xấu xa, thấp hèn
trong cái gọi là tầng lớp vô sản lưu manh, của cái phần bản năng tối tăm trụy
lạc trong cuộc sống quần chúng nhân dân, – cách mạng đã giải phóng những
khả năng sáng tạo kì diệu của người lao động nhưng đồng thời cũng kích
thích dậy những bản năng thấp hèn đó, chúng có khả năng tha hoá, phá hoại,
thậm chí giết chết các lý tưởng cách mạng. Bằng phép mầu của mình, Philip
Philippovich trao cho Sarikov cái thành tựu vĩ đại nhất của tiến hoá, cái
công cụ lợi hại nhất mà loài người có được là khả năng sử dụng ngôn ngữ,
thì hắn lại dùng nó để làm những điều đốn mạt nhất – chửi rủa, dối trá, vu
khống, đòi hỏi, và trốn tránh nghĩa vụ. Trái tim chó, được viết vào đầu thế
kỷ, cho thấy sự sáng suốt, tỉnh táo và dũng cảm của tác giả đã sớm nhìn ra,
cảnh báo về nguy cơ Sarikov, một dạng người có trái tim chó, hay nói đúng
hơn, một loại người mang tâm lí chó vốn không quá hiếm trong cuộc đời
xung quanh.
Ðối lập với Sarikov trong Trái tim chó là giáo sư Preobrajenski, nhân
vật rất gần gũi với tác giả và thông qua ông, nhà văn phát biểu nhiều quan
điểm tâm đắc của chính mình. Ở hình tượng nhà bác học này, tác giả đặt ra
một vấn đề mà càng ngày, cùng với sự phát triển vũ bão của khoa học và
công nghệ, càng có ý nghĩa thời sự cấp bách: trách nhiệm của nhà khoa học
đối với các phát minh của mình. Mỗi một tìm tòi, mỗi một phát minh khoa
học đều phải đặt dưới sự kiểm soát của trách nhiệm đạo đức của nhà bác
học; nếu phát minh đó vượt ra ngoài sự kiểm soát thì nó sẽ đe dọa sự tồn tại
các giá trị đạo đức mà loài người đã tạo nên, đe dọa cả chính người đã sinh
ra nó và cả sự tồn tại nói chung của nền văn minh nhân loại.
Ðỉnh cao trong sáng tác của Bulgakov là tiểu thuyết Nghệ Nhân và
Margarita.
Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được
bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận
như Nghệ Nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai