có thể xếp Nghệ Nhân và Margarita vào các loại: tiểu thuyết triết học, tiểu
thuyết trào phúng, tiểu thuyết giả tưởng, tất nhiên, cả tiểu thuyết hiện thực,
và v.v. Các sự kiện được đưa vào tác phẩm rất đa dạng, nhiều tầng nhiều lớp,
các tuyến nhân vật, chủ đề đan chéo, tương nhập và phản chuyển lẫn nhau;
nhưng để đơn giản hóa, tiện cho việc tìm hiểu các chủ đề tư tưởng, chúng tôi
xin tạm dừng lại ở một số “nhóm sự kiện” dưới đây:
Nhóm thứ nhất bao gồm những sự kiện, những hiện tượng là đối tượng
trào phúng của ngòi bút Bulgakov, tạo thành mặt cắt “hiện đại” của tác
phẩm. Các sự kiện này xảy ra trong một không – thời gian cụ thể, hiện thực
với người đọc ngày nay – thành phố Moskva những năm 20-30, thời kì sau
Chính sách kinh tế mới. Ðó là đám khán giả tự nguyện phô bày sự hám khát
lối sống phè phỡn, tham lam, trụy lạc trong buổi biểu diễn ảo thuật tại nhà
hát Tạp Kĩ; đó là “giới văn chương” bất tài, giả dối, luôn ghen ghét độc địa
lẫn nhau, với những Riukhin ban ngày viết vài câu thơ khẩu hiệu để mang
danh nhà thơ vô sản, còn đêm đến quay cuồng cuộc truy hoan trong các tiệm
ăn lừng danh thủ đô; đó là ngôi nhà 302 bis phố Sadovaia với bao chuyện kì
quái cùng ông Chủ tịch Hội đồng nhà cửa Nikanor Ivanovich thiển cận, ăn
hối lộ. Rồi ban phụ trách nhà hát Tạp Kĩ, cửa hàng dành cho người nước
ngoài, ủy ban biểu diễn, v.v. Trào phúng của M. Bulgakov không chỉ gay gắt
ở thái độ thể hiện, mà còn rất thâm trầm. Một bộ comple không người thản
nhiên ngồi trong ghế bành ký các giấy tờ, quyết định một cách chính xác,
chuẩn mực không kém gì ông Chủ nhiệm vẫn ngồi trong bộ quần áo đó. Một
cơ quan có ông thủ trưởng chỉ chăm chăm tổ chức các hoạt động xã hội, bắt
nhân viên tập hát tập thể, và thật lạ lùng: mặc dù phải hát trái với ý muốn
của mình, mặc dù mỗi người ở các vị trí khác nhau, nhưng tất cả vẫn hát rất
đều, dường như dưới một cây gậy chỉ huy vô hình đầy quyền lực…
Nhưng phức tạp hơn, sâu sắc hơn, với tư cách một đối tượng trào
phúng của Bulgakov, là hình tượng Berlioz, Chủ tịch Hội nhà văn Moskva.
Tổng biên tập tờ tạp chí lớn, đọc nhiều biết rộng, vẻ ngoài hiền lành, lịch sự,
dưới ngòi bút của Bulgakov ông ta hiện lên thành một hiện tượng xã hội
đáng sợ. Với tư cách là người “lãnh đạo” văn học, chính ông ta đã góp phần
biến văn học thành thứ nghệ thuật khẩu hiệu thô thiển kiểu thơ Riukhin, đã