dung túng, khuyến khích các nhà phê bình đồ tể kiểu Latunski, Ariman và lũ
chỉ điểm, vu khống Aloyzi Mogarưt. Bản thân ông ta là người “cuộc đời
được xếp đặt từ trước đến nay vốn không quen với những chuyện khác
thường”, tuyên truyền cho cái học thuyết “sau khi đầu bị cắt, cuộc sống con
người cũng chấm dứt, con người biến thành tro bụi và đi vào cõi vô sinh”.
Thực chất đó là thái độ tự mãn duy lí mang danh “duy vật”, toan tính “lên kế
hoạch” và “điều hành” mọi hình thức của cuộc sống, phủ nhận một cách mù
quáng, thô bạo và ngu dốt tất cả những gì không nằm trong một công thức
sơ lược đưa từ trên xuống. Berlioz đòi Bezdomnưi phải chứng minh rằng
không hề có Giesu, nghĩa là mục đích của Berlioz không phải phê phán, mà
xóa bỏ các giá trị đạo đức và thẩm mĩ truyền thống nhân loại đã đạt được
qua quá trình phát triển. Trong sáng tác của mình, Bulgakov quyết liệt chống
cái học thuyết giáo điều, thực chất là ngu dân đó, bởi vì nó làm nảy sinh thái
độ sống thực dụng thô bạo, biến cuộc đời con người thành một sự tồn tại
thiển cận, nghèo nào tinh thần. (Ðáp lại lời khẳng định của hai nhà văn rằng
không những Chúa Trời, mà cả quỷ sứ cũng không tồn tại, chúa quỷ Voland
ngơ ngác hỏi: “Mà sao các ngài lại thế, động tới cái gì cũng đều không cả!”)
Ðối với tác giả, sự thật, hiện thực cuộc sống, cái bằng cứ thứ bảy, là tiêu chí
cao nhất, là bằng cứ không thể chối cãi của chân lí.
Gắn liền với nhóm sự kiện trào phúng là các nhân vật ma quái trong tác
phẩm: chúa quỷ Satan và đoàn tùy tùng. Một nhà nghiên cứu Xô Viết đã gọi
Voland là “người bảo trợ” nghệ thuật trào phúng, “cái nghệ thuật muôn đời
gắn bó với cái ác nhưng muôn đời làm điều ích lợi”. Voland cùng thuộc hạ
của ông ta đã thực hiện xuất sắc và độc đáo cái chức năng chủ yếu của trào
phúng là lột trần cái ác, vạch ra cái xấu xa ở những nơi người ta trông thấy
nó và đặc biệt là ở những nơi nó được ngụy trang kỹ. Chỉ ba ngày đến “du
lịch” Moskva, họ đã quấy đảo, dồn hút lên bề mặt cuộc sống tất cả những gì
xấu xa, ác độc, rọi vào đó những luồng ánh sáng khuyếch đại gay gắt, đến
mức người đọc không phải ai cũng chấp nhận nổi, sợ phải thấy chính mình
trong ánh phản quang của nó.
Nhóm sự kiện thứ hai gắn liền với số phận của Nghệ Nhân, tức là với
cuộc đời và số phận văn chương của chính Bulgakov, với quan niệm của ông