Như vậy là quan hệ đã được lập lại, và cả ba người ngồi xuống ghế.
“Ngài được mời đến chỗ chúng tôi làm chuyên gia ư?” Berlioz hỏi.
“Vâng, làm chuyên gia.”
“Ngài là người Ðức?” Bezdomnưi hỏi.
“Tôi ấy à?…” giáo sư hỏi lại và bỗng trầm ngâm nghĩ ngợi. “Vâng,
người Ðức…” ông ta đáp.
“Ngài nói tiếng Nga thạo lắm”, Bezdomnưi nhận xét.
“Ồ, nói chung tôi là người đa ngữ, biết rất nhiều thứ tiếng”, giáo sư
đáp.
“Chuyên môn ngài là gì ạ?” Berlioz hỏi.
“Tôi là chuyên gia về Hắc ma thuật.”
“Thế đấy?…” đầu Mikhail Aleksandrovich như va vào một cái gì đó.
“Và… và người ta mời ngài đến nước chúng tôi với tư cách là chuyên
gia của môn đó?” ông lắp bắp hỏi.
“Vâng, đúng thế”, giáo sư khẳng định và giải thích: “Ở đây, trong Thư
viện Quốc gia người ta phát hiện ra những bản thảo nguyên gốc của nhà Ma
thuật Gerbert Avrilac
thế kỷ thứ Mười. Vì thế họ mời tôi đến phân tích.
Tôi là chuyên gia duy nhất trên thế giới.”
“À! Ngài là nhà sử học?” Berlioz hỏi với vẻ nhẹ nhõm và kính trọng.
“Tôi là người nghiên cứu lịch sử”, giáo sư đáp và nói thêm chẳng ăn
nhập vào đâu cả. “Tối nay ở Hồ Pat’riarsi sẽ có một câu chuyện rất thú
vị.”
Nhà thơ và Tổng biên tập vô cùng ngơ ngác, còn giáo sư ra hiệu bảo
hai người ghé lại gần, và khi họ vừa cúi xuống thì ông ta thì thào:
“Các ngài nên nhớ rằng Giesu là có thật.”
“Thưa giáo sư”, Berlioz miễn cưỡng mỉm cười, nói, “Chúng tôi kính
trọng những kiến thức uyên bác của ngài, nhưng về vấn đề này, chúng tôi có
những quan điểm khác.”