là bài thơ của mình. Nhưng cái bằng cứ của vinh quang và nổi tiếng hôm
qua còn làm nhà thơ vui mừng thì bây giờ không làm anh mừng chút nào.
“Tôi xin lỗi”, nhà thơ nói, mặt anh tối sầm lại, “ngài có thể đợi tôi một
phút được không? Tôi muốn nói riêng với đồng chí này vài lời.”
“Ồ, rất vui lòng!” người lạ mặt thốt lên. “Ở đây, dưới bóng những cây
lipa này, thích đến nỗi tôi, xin thú thật, không vội đi đâu cả.”
“Anh Mikhail này”, kéo Berlioz ra một quãng xa, nhà thơ thì thầm”,
hắn ta không phải khách du lịch đâu, gián điệp đấy. Hắn là dân Nga lưu
vong bây giờ lại mò về đây. Anh hỏi giấy tờ hắn đi, không hắn chuồn mất
đấy…”
“Anh nghĩ thế ư?” Berlioz lo lắng thì thầm hỏi lại, nghĩ bụng: “Mà có
lẽ đúng thế thật!”
“Anh hãy tin tôi”, nhà thơ ghé sát tai Berlioz và nói bằng giọng khàn
khàn, “hắn giả đò làm bộ ngớ ngẩn để do thám đấy. Anh nghe hắn ta nói
tiếng Nga như thế nào không”, nhà thơ vừa nói vừa liếc mắt theo dõi để kẻ
lạ mặt không lủi mất, “ta đến giữ hắn lại đi…”
Và nhà thơ túm lấy tay áo Berlioz kéo đến bên ghế băng. Người lạ mặt
không còn ngồi mà đang đứng bên cạnh chiếc ghế, tay cầm cuốn sổ nhỏ bìa
xám thẫm, chiếc phong bì dày bằng giấy tốt và tấm danh thiếp.
“Xin lỗi các ngài, vì mải sôi nổi tranh luận, tôi quên tự giới thiệu với
các ngài. Ðây là danh thiếp và hộ chiếu của tôi, đây là giấy mời tôi đến
Moskva với tư cách chuyên gia”, người lạ mặt nói một cách quả quyết, ánh
mắt sắc nhọn nhìn xuyên suốt hai nhà văn.
Hai người bối rối. “Quỷ quái thật, ông ta đã nghe thấy hết”, Berlioz
nghĩ và bằng một cử chỉ lịch thiệp tỏ ý là không cần phải trình giấy tờ làm
gì. Trong khi người nước ngoài chìa hộ chiếu cho Tổng biên tập, nhà thơ đã
kịp đọc thấy trên đó từ “giáo sư” viết bằng tiếng nước ngoài và chữ cái đầu
tiên của họ ông ta “chữ V đúp.
“Rất hân hạnh”, lúc đó, viên Tổng biên tập lúng túng đáp, và người
khách nước ngoài nhét các thứ giấy tờ vào túi.