Cái khao khát đã đến độ trong tôi muốn chấm dứt những đau khổ của
người viết văn buộc tôi gửi lên Chính phủ Liên Xô một lá thư trung thực.
2. Trong khi phân tích những bài báo được lưu trữ trong hồ sơ của tôi,
tôi phát hiện ra qua mười năm hoạt động văn học của tôi trên báo chí Liên
Xô đã có 301 bài viết về tôi trong đó có ba bài khen, còn số bài thù địch
chửi rủa là 298.
298 bài báo này là tấm gương phản chiếu cuộc đời viết văn của tôi.
Trong một bài thơ đăng báo người ta gọi Aleksei Turbin, nhân vật vở
kịch “Những ngày tháng của anh em Turbin” của tôi, là “đồ chó đẻ” còn tác
giả của vở kịch được giới thiệu như một kẻ bị ám ảnh bởi cái “thời mục nát
chó má”. Người ta viết về tôi như một gã dọn bàn đi nhặt nhạnh những thứ
cơm thừa canh cặn sau khi cả tá khách ăn đã nôn mửa ra đấy.
Người ta viết rằng:
“Miska Bulgakov ông bạn vàng của tôi, xin lỗi về cách diễn đạt,cũng là
nhà văn kia đấy, lục lọi trong đống rác thối rữa… Gì thế này, tôi hỏi, người
anh em, cái mõm của anh… Tôi là người tế nhị, cứ vác chậu mà khúc vào
gáy hắn… Không có lũ Turbin bọn phàm tục đâu cần đến chúng ta cũng như
chó cái cần gì đến nịt vú. Tòi đâu ra, đồ chó đẻ, tòi đầu ra một gã Turbin,
cầu cho gã trơ khấc cả tiếng lẫn miếng.” (Sinh hoạt nghệ thuật, số 44 năm
1927).
Người ta viết: “Về Bulgakov, kẻ trước sau vẫn là một quái thai tư sản
mới, phun nước bọt tẩm thuốc độc nhưng vô tác dụng lên giai cấp công nhân
và lí tưởng cộng sản của họ” (báo Sự thật Ðoàn thanh niên cộng sản, ngày
14 tháng 10 năm 1920).
Người ta thông báo rằng tôi thích không khí đám cưới chó má xung
quanh bà vợ tóc hung nào đó của một người bạn (A.Lunatrarski(*), báo Tin
tức, ngày 8 tháng 10 năm 1926), và rằng từ vở kịch của tôi “Những ngày
tháng của anh em Turbin” bốc mùi thối (biên bản cuộc họp Ban tuyên huấn
vào tháng Năm năm 1927), v.v. và v.v.