lời như vậy với Bezdomnưi khi hai người trên đường đi dọc phố Bronnaia
đến Hồ Pat’riarsi.
“Nó quả là như thế”, Berlioz nói, “nhưng tôi e rằng không ai có thể
khẳng định những điều ngài vừa kể đúng là đã xảy ra thật.”
“Ồ không! Có người có thể khẳng định được điều đó!” bằng giọng
nước ngoài lơ lớ viên giáo sư đáp một cách vô cùng tự tin, rồi đột ngột dùng
ngón tay vẫy vẫy ra hiệu cho hai nhà văn ghé gần lại bên ông ta.
Berlioz và Bezdomnưi từ hai phía nghiêng đầu lại gần viên giáo sư, và
ông ta cất tiếng nói, nhưng lần này cái giọng nước ngoài lơ lớ, mà không
hiểu sao lúc có lúc không ở ông ta, đã biến mất hoàn toàn.
“Sự thể là…” Vừa nói viên giáo sư vừa đưa mắt nhìn quanh vẻ sợ sệt,
rồi thì thầm tiếp: “Chính tôi đã tận mắt chứng kiến tất cả những việc đó. Cả
trên ban công ở chỗ Ponti Pilat, cả ở trong vườn khi ông ta nói chuyện với
Kaipha, cả ở trên bệ đài, nhưng chỉ có điều là bí mật, không ai biết, vậy nên
xin các ngài hoàn toàn giữ kín cho, không nói với bất kỳ người nào hết!…
Xuỵt!”
Im lặng bao trùm, mặt Berlioz tái nhợt.
“Ngài… ngài đã đến Moskva được bao lâu?” ông hỏi bằng giọng run
run.
“Tôi vừa đến Moskva ngay tức thời”, viên giáo sư vẻ ngơ ngác đáp;
đến lúc này hai người mới sực nhớ ra, nhìn kỹ vào mắt ông ta và thấy rằng
con mắt bên trái, màu xanh, của người khách nước ngoài có vẻ hoàn toàn
mất trí, còn con mắt bên phải thì trống rỗng, đen ngòm và chết cứng.
“Ra thế, điều này đã giải thích tất cả!” Berlioz bối rối nghĩ. “Một gã
điên người Ðức đến đây, hoặc là hắn ta vừa mới lên cơn tại chỗ, trên Hồ
Pat’riarsi này. Toàn bộ câu chuyện hóa ra là thế!”
Ðúng, tất cả đã được giải thích: cả bữa ăn sáng kỳ lạ với nhà triết học
quá cố Kant, cả những câu ngớ ngẩn về dầu hướng dương và về Annuska, cả
những lời tiên đoán về việc đầu lìa khỏi cổ, và tất cả mọi chuyện khác,
chứng tỏ tay giáo sư này là một người điên.