Berlioz lập tức hình dung ra ngay là cần phải làm gì. Ngả người ra
thành chiếc ghế băng, ông nháy mắt ra hiệu với Bezdomnưi ở phía sau lưng
viên giáo sư, “ấy, đừng có trái ý ông ta”, nhưng nhà thơ ngơ ngác không
hiểu các tín hiệu ấy có nghĩa là gì.
“Vâng, vâng, vâng”, Berlioz sốt sắng nói, “thực ra mọi chuyện đều có
thể! Thậm chí còn rất có thể nữa kia, cả Ponti Pilat, cả ban công, cả những
thứ khác… Thế ngài đến đây một mình hay cùng với phu nhân?”
“Một mình, một mình, bao giờ cũng một mình”, viên giáo sư đáp với
vẻ cay đắng.
“Thế hành lý của ngài đâu, thưa giáo sư?” Berlioz quan tâm hỏi. “Chắc
là ở khách sạn Metropol? Ngài dừng chân ở đâu ạ?”
“Tôi ấy à? Không ở đâu cả”, tay người Ðức dở điên dở dại đáp, con
mắt màu xanh nhìn quanh Hồ Pat’riarsi một cách rầu rĩ và hoang dại…
“Sao? Thế… ngài sẽ sống ở đâu?”
“Trong căn hộ của ngài ấy”, người điên bỗng suồng sã đáp và nháy
nháy mắt.
“Tôi… tôi rất hân hạnh”, Berlioz lúng búng, “nhưng, quả thật, ở chỗ tôi
ngài sẽ thấy hơi bất tiện… còn ở Metropol có những buồng rất tuyệt, đó là
một khách sạn hạng nhất…”
“Thế cả quỷ sứ cũng không có chứ?” người điên bỗng quay sang vui vẻ
hỏi Ivan Nikolaievich.
“Cả quỷ sứ…”
“Ðừng phản đối ông ta!” Berlioz vội ngả người ra phía sau lưng viên
giáo sư và mấp máy môi không thành tiếng, ra hiệu với nhà thơ.
“Không có quỷ sứ nào hết!” ngơ ngác trước tất cả những chuyện ngớ
ngẩn đó, Ivan Nikolaievich hét to lên điều đáng ra không cần phải nói.
“Khốn khổ! Các người đừng có làm ra bộ tâm thần nữa đi!”
Người điên liền phá ra cười ha hả, làm một con chim sẻ đậu ở cành lipa
trên đầu ba người giật mình bay vụt đi.