V. CHUYỆN XẢY RA Ở GRIBOEDOV
N
gôi nhà hai tầng cổ kính màu kem sữa đứng trên đại lộ vòng cung có
hàng cây ở giữa, nằm sâu trong một khu vườn đã tàn lụi được ngăn cách với
vỉa hè của đại lộ bằng một hàng rào gang khía rãnh. Trước nhà là khoảng
sân nhỏ rải nhựa, về mùa đông trong sân nổi lên một đống tuyết lớn với cây
xẻng cắm trên, còn mùa hè nó biến thành một chi nhánh tuyệt vời của khách
sạn ngoài trời dưới mái che bằng vải bạt.
Ngôi nhà này được gọi là “Nhà Griboedov” do chỗ dường như trước
đây nó thuộc về một bà dì của nhà văn Aleksandr Sergheevich Griboedov.
Nhưng có đúng thật như vậy không – chúng ta không biết chính xác. Thậm
chí có người còn nhớ rằng Griboedov không hề có bà dì chủ nhà nào cả…
Nhưng ngôi nhà vẫn có tên như vậy. Hơn thế nữa, một tay khoác lác của
Moskva còn kể rằng, trong gian phòng cột tròn ở tầng hai, nhà văn danh
tiếng đã đọc những trích đoạn của hài kịch “Ðau khổ vì trí tuệ” cho bà dì kia
nghe trong lúc bà ta nằm dài trên ghế sôpha. Mà thật ra, hỏi ma nào biết
được, có thể ông đã đọc thật, điều đó không có gì quan trọng cả.
Cái quan trọng là ngôi nhà này hiện nay thuộc về MASSOLIT, cái tổ
chức do ông Mikhail Aleksandrovich Berlioz bất hạnh đứng đầu cho đến khi
ông xuất hiện ở công viên Hồ Pat’riarsi.
Theo sáng kiến của các thành viên MASSOLIT, không ai gọi ngôi nhà
này là “Nhà Griboedov” nữa, mà tất cả đều gọi một cách đơn giản
“Griboedov”. “Chiều qua tớ loanh quanh ở Griboedov suốt hai tiếng đồng
hồ”. “Kết quả thế nào?” “Nài được đi nghỉ Ialta một tháng”. “Khá lắm!”
Hoặc là: “Ðến gặp Berlioz đi, hôm nay ông ta tiếp khách ở Griboedov từ
bốn đến năm giờ chiều”… vân vân và vân vân.
Toàn bộ MASSOLIT được bố trí ở Griboedov một cách lý tưởng đến
nỗi không thể nào nghĩ là có thể tiện lợi và ấm cúng hơn. Bất kỳ người nào
vào Griboedov trước hết muốn hay không muốn đều được làm quen với
những thông báo của các hội thể thao và những bức ảnh tập thể cũng như cá