bỏ việc tên Judas tố cáo chàng đã nói những lời xúc phạm đến hoàng đế…),
nhưng rồi vẫn tuyên án tử hình và sau đó thì ân hận.
Nhân vật Pilate hèn nhát không dám từ bỏ danh vọng, bổng lộc để thực
hiện thiện chí cứu người vô tội vì dù sao y cũng là vị quan của hoàng đế để
rồi lương tâm cắn rứt cho mãi… 1.900 năm sau (cảnh gặp lại Chúa Jesus ở
cuối tiểu thuyết) cũng như hình ảnh kẻ tử tù không thể nói dối để giữ mạng
sống (đã đáp lại “gợi ý” của quan Tổng trấn: “Nói sự thật dễ dàng và dễ chịu
hơn…”), và việc chàng nhường những giọt nước lúc sắp chết khát cho tên
tội phạm bên cạnh trên núi Trọc có ý nghĩa đến muôn đời vì nó tiêu biểu cho
cuộc đấu tranh giữa thiện và ác của nhân loại…
Chính vì thế, một nhà văn nổi tiếng người Gruzia đánh giá Bulgakov
“đã là người đương thời của cha ông chúng ta, đang là người đương thời với
chúng ta và sẽ là người đương thời của con cháu chúng ta”.
Cuộc đời M. Bulgakov (1891-1940) cũng như nhiều tác phẩm của ông
gặp vô vàn gian truân, mặc dù từ năm 1925, khi phần đầu tiểu thuyết Bạch
vệ của ông ra mắt, nhà thơ M. Voloshin đã đánh giá: “… Đây là một tác
phẩm rất lớn và độc đáo; với tư cách là tác phẩm trình làng, chỉ có thể so
sánh nó với sự ra mắt của Dostoevsky và Tolstoi…”
Tác phẩm này lập tức được ông chuyển thành kịch, đích thân Stalin
xem 15 lần. Tuy vậy, từ năm 1929, sau một ý kiến của Stalin cho rằng vở
kịch Chạy trốn là một hiện tượng chống Xô viết, trên báo chí có đến 298 bài
buộc tội ông bôi nhọ cách mạng! Hầu hết các vở kịch và sách của ông bị
cấm. Ông xin làm người gác cổng cũng không ai dám nhận! Thật may là ông
không tự sát như nhà thơ Mayakovsky, nhà văn Fadeev… vì bốn ngày sau
khi Mayakovsky bắn vào đầu tự tử (ngày 18-4-1930), đích thân Stalin gọi
điện cho Bulgakov hứa giúp đỡ… và ông đã vứt khẩu súng nạp đạn sẵn…
Mặc dù suốt từ đó cho mãi đến gần một phần tư thế kỷ sau khi ông mất,
tác phẩm của Bulgakov không được in dòng nào nhưng ông đã không buông
bút. Nhờ đó mới có
Nghệ nhân và Margarita
, một tác phẩm đỉnh cao của
ông và của văn học Nga thế kỷ 20, được dịch in và dựng thành phim, kịch ở
nhiều nước trên thế giới.