vai, thậm chí ông còn nghe cả tiếng nước vỗ dưới mạn thuyền. Ðầu gối của
người gác cửa đã khuỵu xuống. Nhưng vừa lúc đó, tên cướp biển đem lòng
thương hại ông và tắt đi ánh nhìn sắc nhọn của mình.
“Coi chừng đấy, Nikolai! Ðây là lần cuối cùng. Chúng tôi không cần
những người gác cửa vô tích sự như vậy trong tiệm ăn đâu. Ông hãy đến nhà
thờ xin làm gác cổng thì hơn.” Nói xong, tay thuyền trưởng hạ lệnh ngắn
gọn, rõ ràng, chính xác: “Gọi Pantelei ở quầy căng tin lên đây. Mời công an
đến. Lập biên bản, chuẩn bị xe. Ðưa đến bệnh viện tâm thần.” Rồi thêm:
“Huýt còi lên!”
Mười lăm phút sau, đám thính giả vô cùng kinh ngạc không chỉ ở tại
tiệm ăn, mà cả ở ngoài đại lộ lẫn trong các cửa sổ của những ngôi nhà vây
quanh khu vườn của tiệm ăn, đều thấy từ trong cổng nhà Griboedov năm
người – Pantelei, người gác cửa, một công an, một nhân viên phục vụ tiệm
ăn và nhà thơ Riukhin
– khiêng ra một người trẻ tuổi quấn trong những
chiếc khăn trông hệt như một con búp bê; anh ta, nước mắt chảy ròng ròng,
vừa cố tìm cách nhổ nước bọt trúng vào mặt Riukhin, vừa thổn thức gào lên:
“Ðồ đểu! Ðồ đểu này!”
Tài xế chiếc xe tải quay máy với vẻ mặt dữ tợn. Bên cạnh, một tay xà
ích thúc ngựa, quất sợi dây cương màu tím nhạt lên thân con vật, hét:
“Hỏa tốc đây! Chở người đến bệnh viện tâm thần đây!”
Xung quanh, đám đông ồn ào bàn tán về sự kiện chưa từng thấy này;
tóm lại, một cảnh om sòm, xấu xa, tởm lợm, hấp dẫn, hèn hạ, nó chỉ kết thúc
khi chiếc xe tải đã chở nhà thơ Ivan Nikolaievich bất hạnh cùng Riukhin,
Pantelei và người công an rời cổng nhà Griboedov đi khuất.