chịu khó kiên nhẫn nhắp cần hoặc rê cần qua lại nhiều lần, có khi đến vài
chục lần mới câu được nó. Câu được con cá lóc quả là... trần thân, nhưng ai
cũng mừng, vì con nào xách cũng nặng tay.
Quả thật có nhiều giống cá chỉ thích tìm mồi ở tầng đáy, vì vậy câu chúng
phải để cục mồi gần sát đáy chúng mới gặp mà cắn câu. Ở đồng ruộng thì có
cá trê, ở sông thì có cá tra, cá vồ đen, cá thiều, cá dứa... Chỉ những ngày mà
nhiệt độ nước ở tầng đáy lạnh thì cá mới không ăn nước chìm mà ngoi lên
ăn nước nổi.
Điều này, thợ câu chuyên nghiệp ai cũng rành. Hễ họ thả mồi sát đáy quá lâu
mà không thấy cá ăn mồi thì cuốn nhợ để cầm xem cục chì ấm lạnh ra sao:
nếu cục chì lạnh thì lo điều chỉnh cục mồi cao lên để... đón cá đang ăn nước
nổi. Ngược lại, nếu cục chì vẫn ấm thì cứ thả mồi câu nước chìm như trước.
Có nhiều giống cá chỉ thích ăn loại mồi này mà không mặn mà lắm với
những thứ mồi khác. Khi đói cá cũng ăn tạp. Mồi thì có nhiều thứ như mồi
thực vật, mồi động vật và mồi ướp có mùi tanh tưởi do người đi câu tự pha
chế theo kinh nghiệm riêng: Mồi thực vật cổ mồi khoai lang luộc, bông lúa,
bông cỏ, trái cây mắm chín, cám gạo ... để câu cá mè vinh, trắm cỏ, cá dứa,
cá bông lao, cá thiều ... Cây mắm là giống cây tạp có thân cao to, mọc hoang
hay được trồng dọc bờ sông để giữ bờ khỏi bị sạt lở. Trái cây mắm khi chín
rụng xuống nước làm mồi ngon cho cá. Dân đi câu biết vậy nên mới dùng nó
để làm mồi câu rất nhạy.
Mồi động vật thì có rất nhiều như tôm, tép, cá con, cua lột, cá linh, gián, dế,
cào cào, trứng kiến, nhộng ong, trùn hổ, trùn huyết, trùn mủ, con hà, thằn
lằn, nhái, tim bò, ruột gà vịt ... Trong số các loại mồi đó, trứng kiến là thức
ăn khoái khẩu của cá rô, cá sặt.. Thằn lằn, nhái làm mồi câu cá lóc, cá
bông... Trùn, hà, dế câu cá rô, trê, bống kèo, bống dừa ... Gạch tôm (đầu
tôm) dùng làm mồi câu cá chép rất nhạy.