tranh cho các cá nhân: gã sát thủ người Nam Tư ở Sarajevo đã gây ra Thế
chiến I, một mình Hitler làm nên Thế chiến II. Rất nhiều người chấp nhận
lối tư duy đơn giản hóa ấy, cho dù chiến tranh là một sự kiện không thể dự
đoán với vô vàn động lực mà có lẽ chúng ta không bao giờ thực sự hiểu
thấu. Bạn chắc cũng đồng ý là chiến tranh có chút gì đó giống với các thị
trường tài chính và các vấn đề thời tiết chứ?
Chúng ta chứng kiến mô típ tương tự khi các công ty tuyên bố kết quả
kinh doanh xấu hoặc tốt. Mọi con mắt đổ dồn vào văn phòng của vị CEO,
mặc dù chúng ta biết rõ sự thật: thành công về mặt kinh tế phụ thuộc vào bối
cảnh kinh tế chung và sự hấp dẫn của ngành nhiều hơn hẳn năng lực lãnh
đạo xuất sắc. Việc các công ty trong những ngành yếu kém thay đổi các vị
CEO thường xuyên - trong khi điều tương tự hiếm khi xảy ra trong các
ngành đang phát triển bùng nổ - là một thực tế thú vị. Liệu có phải là do quá
trình tuyển dụng thiếu cẩn trọng trong các ngành yếu kém không? Những
quyết định này cũng chẳng sáng suốt hơn so với những gì xảy ra giữa các
huấn luyện viên bóng đá và câu lạc bộ của họ.
Tôi thường hay đi dự các buổi biểu diễn ca nhạc. Ở Lucerne, quê tôi, một
vùng thuộc miền Trung Thụy Sĩ, tôi có rất nhiều dịp thưởng thức các buổi
biểu diễn âm nhạc cổ điển chỉ công diễn một lần. Tuy nhiên, trong giờ nghỉ,
tôi nhận ra các cuộc đối thoại gần như lúc nào cũng xoay quanh nhạc trưởng
và/hoặc các nghệ sĩ độc tấu. Ngoại trừ các buổi ra mắt quốc tế, tác phẩm
hiếm khi được đem ra bàn luận. Tại sao vậy? Dẫu sao, điều kỳ diệu thực sự
của âm nhạc chính là tác phẩm, việc sáng tạo ra các âm thanh, giai điệu,
nhịp điệu lấp đầy trang giấy vốn dĩ trắng trơn. Sự khác nhau giữa các bản
tổng phổ thực ra ấn tượng hơn gấp ngàn lần sự khác nhau giữa các màn biểu
diễn cùng một bảng tổng phổ. Thế nhưng chúng ta không hề nghĩ theo cách
đó. Khác với nhạc trưởng và nghệ sĩ độc tấu, bản tổng phổ không mang
gương mặt nào.
Trong sự nghiệp viết văn, tôi đã có lần kinh qua lỗi quy kết căn bản như
thế này: sau buổi đọc thử (vốn đã là một việc đáng tranh cãi), câu hỏi đầu
tiên luôn luôn, không thể nào khác được, chính là: “Phần nào trong tiểu