bởi vì công ty đang làm ăn phát đạt mà thôi. Một tít báo khác thì ca ngợi
rằng càng có nhiều phụ nữ trong ban quản trị của một doanh nghiệp, thì
doanh nghiệp ấy càng thu nhiều lợi nhuận. Thế nhưng có thực là như vậy?
Hay chỉ đơn giản là các hãng thu lời cao có xu hướng tuyển dụng nhiều phụ
nữ hơn cho ban quản trị của họ? Các tác giả sách kinh doanh và nhà tư vấn
thường làm việc dựa trên những quan hệ nhân quả lệch lạc - hoặc ít nhất là
mơ hồ - tương tự.
Hồi thập niên 1990, không ai được sùng bái hơn giám đốc Cục Dự trữ
Liên bang Alan Greenspan. Những nhận định mơ hồ của ông này phủ lên
chính sách tiền tệ ánh hào quang của một thứ khoa học bí mật, đã giữ cho
đất nước vững vàng trên con đường phát đạt. Các chính khách, nhà báo, lãnh
đạo doanh nghiệp tôn sùng Greenspan. Ngày nay chúng ta biết rằng những
chuyên gia kia đã bị sập bẫy tư duy nhân quả sai lệch. Mối quan hệ cộng
sinh với Trung Quốc - công xưởng sản xuất chi phí thấp của thế giới đồng
thời là quốc gia sốt sắng mua nợ của nước Mỹ, đóng vai trò quan trọng hơn
rất nhiều. Nói cách khác, Greenspan chỉ đơn giản là đã may mắn khi nền
kinh tế vận hành quá trơn tru trong nhiệm kỳ của ông ta.
Một ví dụ khác: các nhà khoa học phát hiện rằng thời gian điều trị dài
trong bệnh viện tác động xấu đến các bệnh nhân. Các nhà bảo hiểm sức
khỏe hiển nhiên rất thích nghe thông tin êm ái này, bởi họ luôn muốn thời
gian nằm viện của bệnh nhân càng ngắn càng tốt. Tuy nhiên, rõ ràng là các
bệnh nhân được cho ra viện ngay lập tức vốn dĩ khỏe mạnh hơn những
người phải ở lại để điều trị. Không phải vì thế mà thời gian điều trị lâu dài
lại là có hại.
Hoặc, hãy xem xét tít báo này: “Thực tế, phụ nữ sử dụng dầu gội XYZ
mỗi ngày có mái tóc khỏe hơn.” Mặc dù có thể được chứng minh bằng khoa
học, thì tuyên bố này cũng chẳng nói lên được điều gì đáng kể về việc dầu
gội đó khiến tóc bạn khỏe hơn. Có lẽ phải là ngược lại: những phụ nữ với
mái tóc khỏe có xu hướng sử dụng dầu gội XYZ - hoặc có lẽ bởi vì trên
nhãn của chai dầu gội có ghi “đặc biệt tốt cho tóc dày”.