Gần đây tôi có đọc được thông tin rằng học sinh đạt được điểm số tốt hơn
ở trường nếu như nhà các em có rất nhiều sách. Nghiên cứu này rõ ràng là
một tin vui đối với các đơn vị bán sách, nhưng đây cũng là một ví dụ rõ ràng
khác của tư duy nhân quả sai lệch. Sự thật đơn giản là những phụ huynh có
học thức thường coi trọng việc học của con họ hơn là những phụ huynh ít
học hành. Hơn nữa, những bậc cha mẹ trí thức thường có nhiều sách trong
nhà hơn. Nói ngắn gọn, thì nếu chỉ có độc cuốn Chiến tranh và hòa bình phủ
bụi trên giá thì sẽ không tác động được gì đến điểm số của bất kỳ ai cả; điều
quan trọng là trình độ học vấn của cha mẹ, cũng như bộ gen của họ.
Minh chứng rõ rệt nhất cho tư duy nhân quả sai lệch là mối quan hệ giả
định giữa tỷ lệ sinh và số cặp cò ở Đức. Cả hai đều trên đà giảm sút, và nếu
bạn đưa chúng lên biểu đồ, thì hai đường biểu diễn sự phát triển trong thời
kỳ 1965-1987 gần như trùng khớp. Liệu như vậy có phải lũ cò thực sự mang
đến những em bé hay không? Hiển nhiên là không, bởi vì sự tương đồng này
chỉ thuần túy là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Kết luận: Mối tương liên không có nghĩa là cái này dẫn đến cái kia. Hãy
theo dõi các sự kiện có liên quan một cách kỹ càng hơn: đôi khi những gì
được trình bày là nguyên nhân hóa ra lại là kết quả, và ngược lại. Và đôi khi
chẳng hề có mối liên hệ nào - giống như trường hợp giữa lũ cò và các em bé.