loại bỏ khỏi nguồn gen. Chẳng lạ khi chúng ta là loài động vật có tính xã hội
như vậy - bởi tổ tiên chúng ta vốn đã thế.
Các nhà tâm lý học đã điều tra nhiều hiệu ứng hội nhóm khác nhau.
Chúng đều gộp vào nhóm thiên vị nội bộ. Trước hết, các nhóm thường hình
thành dựa trên những tiêu chí nhỏ, thậm chí là vặt vãnh. Để thành lập một
nhóm thể thao thì chỉ cần một nơi sinh ngẫu nhiên là đủ, còn trong kinh
doanh thì đó là nơi bạn làm việc. Để kiểm chứng điều này, nhà tâm lý học
người Anh Henri Tajfel chia một nhóm người không quen biết nhau thành
các nhóm nhỏ khác nhau bằng cách tung đồng xu để chọn thành viên. Ông
nói với thành viên của một nhóm rằng lý do là vì họ cùng thích một loại
hình nghệ thuật giống nhau. Kết quả hết sức ấn tượng: mặc dù (a) họ không
quen biết gì nhau, (b) họ được phân nhóm một cách ngẫu nhiên, và (c) họ
chẳng am hiểu mấy về nghệ thuật, nhưng các thành viên đều cho rằng những
người trong nhóm mình dễ mến hơn so với thành viên các nhóm khác. Thứ
hai, bạn cảm thấy những người nằm ngoài nhóm của mình giống nhau hơn
so với thực tế. Đây gọi là “thành kiến đồng nhất ngoài nhóm”. Tư duy
khuôn mẫu và thành kiến từ đó mà hình thành. Bạn đã bao giờ để ý thấy,
trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, chỉ có con người là có các nền văn
hóa khác nhau, còn người ngoài hành tinh thì không có? Thứ ba, vì các
nhóm thường hình thành dựa trên nền tảng các giá trị chung, nên các thành
viên trong nhóm nhận được sự ủng hộ không tương xứng cho quan điểm cá
nhân của họ. Sự lệch lạc này rất nguy hiểm, đặc biệt là trong công việc: nó
dẫn đến chứng mù quáng tập thể đầy tai hại.
Các thành viên trong gia đình giúp đỡ nhau là điều dễ hiểu. Nếu bạn có
chung một nửa số gen với anh chị em của mình, thì bạn quan tâm đến lợi ích
của họ là điều tự nhiên. Thế nhưng có một thứ gọi là “giả thân thuộc”. Nó
kích thích những cảm xúc tương tự mà không cần quan hệ huyết thống.
Những cảm xúc đó có thể dẫn đến sai lầm nhận thức ngớ ngẩn nhất trong
mọi sai lầm: hy sinh tính mạng của bạn vì một nhóm ngẫu nhiên nào đó -
còn được biết đến như là việc ra trận. Không phải ngẫu nhiên mà “đất mẹ”
gọi đến tình máu mủ. Và chẳng phải tình cờ mà mục tiêu của mọi cuộc huấn
luyện quân sự luôn là xây dựng “tình anh em” giữa các chiến sĩ.